Chương 7: Ký túc xá

Nếu bạn trải qua thời sinh viên mà không ở ký túc xá thì đúng là thiếu sót lớn của cuộc đời.

Ký túc xá là xã hội thu nhỏ với rất nhiều giai thoại truyền kỳ của đám sinh viên tỉnh lẻ đi học xa nhà. Ký túc trường tôi cũng không ngoại lệ. Thế nhưng giai thoại còn hấp dẫn hơn nhiều bạn tưởng.

Ký túc trường mỹ thuật từng lên báo vì có vụ giết người bí ẩn cho đến nay vẫn không rõ thủ phạm. Vụ đó nổi tiếng đến nỗi, tôi mới vào ở ký túc xá chưa lâu đã có ký giả đến lấy tin viết bài. Thế nhưng vì chỉ được nghe kể lại nên tôi cũng không cho rõ thông tin mình biết có phải tam sao thất bản không.

Chuyện là có một chị buổi trưa về phòng, gọi mãi chẳng thấy bạn trả lời. Chị thấy giường tầng hai im lìm, người trên giường thì trùm chăn kín mít. Thấy có gì đó sai sai, chị lật chăn lên và thấy bạn mình đã chết. Con dao cắm trên ngực, máu chảy lênh láng. Không ai hay biết chị gái xấu số chết lúc nào, tại sao lại bị giết, ai là hung thủ. Ban giám hiệu nhà trường còn thuê thầy cúng lên cầu siêu, dán bùa căn phòng xảy ra án mạng.

Dù rất nhiều năm trôi qua nhưng sự việc vẫn còn là bí ẩn. Ai từng ở căn phòng ấy, chiếc giường ấy cũng từng ít nhất một lần nhìn thấy ma nữ áo trắng. Đa số là con trai bị trêu ghẹo. Khi thì đang nằm ngủ bị bóng đè, lúc thì thấy chị ấy nằm ngay bên cạnh. Nghỉ lễ 30/4, ký túc xá vắng vẻ vì sinh viên về quê nhiều. Mấy bạn nam ôm gối sang phòng nhau ngủ cho đỡ sợ. Vậy mà vừa ra hành lang, từ ban công nhìn xuống mái nhà để xe lại thấy hình bóng chị gái tóc dài mặc váy trắng.

Có truyền thuyết kể rằng con ma nhà để xe ghét con ma ký túc xá nên chia làm hai lãnh địa khác nhau. Con ma bên nhà để xe sẽ không bao giờ vào địa bàn ký túc xá và ngược lại. Lần nào buổi tối đi qua khu để xe gần nhà A, tôi cũng rợn tóc gáy vì không khí âm u nơi đó.

Có lần, bạn cùng phòng tôi đi làm thêm về muộn. Chị gặp một con mèo trắng biến mất trong nhà vệ sinh tắt điện tối om. Bạn tôi kêu lên bên ngoài và trong phòng không có đứa nào nghe thấy dù không bật nhạc. Chỉ thấy thế giới trong ký túc xá và bên ngoài như được cách âm và giăng kết giới vô hình nào đó.

Ẩn quảng cáo


Đường phố ngoài kia đông đúc là thế nhưng trong trường, vào ký túc xá mỹ thuật một cái là mọi thứ khác hẳn. Biệt lập hoàn toàn khỏi cõi trần, đó là ký túc xá đại học mỹ thuật huyền thoại. Truyện ma trường tôi nổi tiếng tới mức, cứ lên Google tìm “ký túc xá Mỹ thuật công nghiệp” là ra một đống kết quả. Năm này qua tháng nọ, các câu chuyện cũng tam sao thất bản dần đều.

Dù sợ ma nhưng hầu như ít người chuyển khỏi ký túc xá. Học mỹ thuật rất tốn kém, ở ký túc xá dù sao cũng là sự lựa chọn an toàn cho túi tiền đám sinh viên tỉnh lẻ, gia cảnh bình thường chúng tôi. Thêm nữa là khu vực xung quanh trường tôi, mật độ dân số cao thuộc top đầu cả nước, tìm phòng trọ vừa khó lại còn đắt đỏ.

Mỗi lần làm bài tập chuyên ngành là mọi người vung tiền hơn bình thường. Để đạt điểm cao, nhiều đứa còn đầu tư cả đồ xịn trưng bày. Khoa đồ họa tôi học rất dễ dàng để thấy đứa nào là con nhà có điều kiện, đứa nào là con nhà lao động chỉ qua vài lần xem bài chuyên ngành.

Đám sinh viên ký túc xá đi làm thêm từ rất sớm để cho trang trải học phí. Riêng phòng tôi đã có ba đứa làm KFC từ năm nhất, một đứa đi bán hàng đa cấp. Tôi và đứa còn lại thì túc tắc hơn, lúc thì nhận vẽ Chibi, khi thì bán socola handmade.

Vì có bạn làm quán gà rán nên lần nào đi ăn, suất của tôi cũng được nhiều hơn bình thường. Cái kem của tôi to gấp đôi người khác. Nhiều hôm tối muộn hàng tồn không bán hết, đám nhân viên lại mang về chia nhau. Lúc là cơm, lúc là miếng gà ỉu. Giờ nghĩ lại hồi đó vất vả nhưng vui.

Năm nhất, tôi ở tầng năm với hội cùng tuổi. Sáu đứa một phòng dùng chung nhà vệ sinh và nhà tắm. Nhưng có một vấn đề là ký túc không có nước ở tất cả các phòng mà phải đi xách. Cái ký túc xá to đùng mà chỉ một phòng tầng bốn và hai phòng tầng hai có nước chảy. Cứ bốn giờ chiều là các cháu xách xô qua xin nước, xếp hàng không khác gì thời bao cấp. Nhiều khi hết nước bơm, mọi người lại xuống tầng một múc nước tắm ở bếp cũ gần căng tin. Cái bể đầy rêu phong, nước lắng cặn đó là nguồn sống của hàng trăm con người trong suốt thời gian dài.

Anh Y học năm cuối không chịu nổi cảnh thiếu nước sinh hoạt đã viết đơn kiến nghị. Rồi anh thu thập chữ ký mọi người ở ký túc xá và nộp lên ban giám hiệu trường. Sau một năm đấu tranh, nước đã được đưa về các phòng. Tuy vậy anh Y cũng chỉ học nốt năm đó là tốt nghiệp. Thành quả đấu tranh lại toàn các em khóa dưới được hưởng.

Báo cáo nội dung vi phạm
Ẩn quảng cáo

Nhận xét về (Tự Truyện) Tuổi Thơ Bất Ổn

Số ký tự: 0