Chương 7: Bát Đại Danh Khí.

Trần Sơ Diễn Ca Cửu Long 2269 từ 13:17 10/12/2021
(Lưu Ý: Các nhân vật, tình tiết trong truyện là hư cấu, giả tưởng, không có thật trong lịch sử.)

---

Trần Quốc Tuấn dắt tay hai người đi vào phủ. Võ Sanh cùng Nguyễn Phục đều thầm khen là người hào sảng. Đang muốn tiến vào thì bất giác sống lưng lạnh toát, cả hai người ngoảnh qua thì thấy có hai luồng mục quang như điện đang chăm chú nhìn mình. Hoá ra đó là một hộ vệ đi bên cạnh Hưng Đạo Đại Vương. Gã một tay đã sớm đặt trên đốc đao, chỉ cần một trong hai người có ý gây hại tới Trần Quốc Tuấn thì lập tức ra tay chế phục.

Tương truyền dưới trướng của Hưng Đạo đại vương có ngũ hổ tướng, hay còn gọi là Tam Anh Song Kiệt. Yết Kiêu với Nguyễn Địa Lô thì hai người đã biết. Còn như ba tướng còn lại thì chưa thấy mặt mũi như thế nào. Chẳng lẽ gã hộ vệ này là một trong ba người Cao Mang, Đại Hành, Dã Tượng?

Trần Quốc Tuấn ngoảnh lại thấy ba người nhìn nhau, cười nói:

-Ngũ Lão chớ căng thẳng làm chi, hai vị thiếu hiệp này là bằng hữu Yết Kiêu dẫn tới. Thiết nghĩ cũng không phải hạng người lòng lang dạ sói.

Người hộ vệ kia tên họ đầy đủ là Phạm Ngũ Lão, hộ vệ bên cạnh Trần Quốc Tuấn. Trên giang hồ không hề nghe danh, nên Võ Sanh cũng chẳng quen biết. Nhưng thấy người này mục quang sáng quắc, ắt hẳn công phu võ nghệ cũng không tầm thường.

Trần Ích Tắc cười khẩy, nói chen vào:

-Thúc bá chớ nhìn mặt mà bắt hình dong. Mấy ai biết được lòng người nông sâu cỡ nào? Cứ như gã họ Đoàn kia mà trông, mặt mày sáng sủa đấy! Ai ngờ được y là sát thủ do quân Nguyên cài vào đâu?

Trần Quốc Tuấn là con của thân vương An Sinh vương Trần Liễu và là cháu nội của Trần Thái Tổ, có mối quan hệ mật thiết với hoàng tộc họ Trần. Tuy Trần Ích Tắc và ông đều được phong làm thân Vương, nhưng xét theo vai vế thì Ích Tắc vẫn phải gọi Quốc Tuấn một câu thúc bá.

Nghe Ích Tắc nhắc lại chuyện cũ, Trần Quốc Tuấn chỉ hơi nhíu mày, lúc sau cũng không để ý, nói:

-Chuyện đã qua rồi cũng không nên nhắc tới làm chi. Thôi, đi vào đi.

Phạm Ngũ Lão đáp “Vâng” một tiếng, nhưng tay vẫn không rời đao. Quốc Tuần chỉ cười nhẹ, rồi bước vào cửa. Sanh với Phục nhìn nhau cũng đi theo.

Khi bốn người đi tới giữa sân, đột nhiên thanh kiếm đeo bên hông Trần Quốc Tuấn rung lên bần bật. Thanh kiếm này tra trong vỏ, nên không biết hình dáng thế nào. Nhưng chỉ nhìn vỏ bên ngoài có ghi mấy câu thơ: “Viết toại cổ chi sơ, thùy truyền đạo chi. Thượng hạ vị hình, hà do khảo chi.” Trời tuy tối nhưng hai dòng chữ này phát sáng tựa ánh đèn, bút lực cứng cáp mà không thô ráp, hiển nhiên là người hoạ là một thư pháp danh gia. Nguyễn Phục mới nhìn vào có thể mơ hồ cảm giác được hai mắt nhâm nhẩm đau. Trong bụng không khỏi khiếp vía, nghĩ thầm: “Người hoạ chữ này ắt hẳn phải là tông sư kiếm thuật, trên chữ còn lưu lại kiếm khí. Quả là ghê gớm thật!”

Nguyên là, hai câu thơ này xuất phát từ nhà thơ tên Khuất Nguyên, người nước Sở. Tự đặt câu hỏi cho trời cao về tự nhiên, thiên văn, triết học… thể hiện sự hoài nghi về tư tưởng xã hội truyền thống. Tập thơ của ông vì thế mà được đặt tên là “Thiên Vấn”.

Mấy người đi phía sau thấy động tĩnh như thế, tuy không hiểu gì nhưng cũng không dám hỏi. Trần Quốc Tuấn đưa tay cầm chuôi kiếm, ông trầm ngâm trong chốc lát rồi đột nhiên quay qua bên phải, chỉ vào một thanh binh khí đang treo trên giá, hỏi:

-Cây thương này là của ai?

Mấy người xung quanh nghe vậy, bất giác nhìn qua. Chỉ thấy đó là một cây tố anh thương, đang gác trên giá đỡ. Đầu thương nhọn hoắt, toàn thân đen bóng, quấn lấy tua hồng, cán thương thẳng đuột, phía trên khắc hoa văn trông rất bắt mắt. Hiển nhiên không phải vật tầm thường.

Nguyễn Phục trong bụng ngạc nhiên, đấy chẳng phải thương của chàng hay sao? Bèn tiến tới ôm quyền, nói:

-Bẩm đại vương, cây thương đấy là của thảo dân.

Trần Quốc Tuấn nhíu mày, hỏi:

-Ồ, của thiếu hiệp ư?

Nói rồi ông vuốt râu trầm tư suy nghĩ.

Mọi người thấy vậy cũng không biết ý của Hưng Đạo đại vương là gì? Lát sau chỉ nghe Quốc Tuấn hỏi:

-Không biết dòng họ của thiếu hiệp xuất phát từ chi nào của họ Nguyễn?

Lời vừa nói ra, ai nấy bất giác đều ngạc nhiên. Bởi vì mấy người chỉ mới quen nhau, đã hỏi tới dòng họ rồi. Không phải có chút đường đột thất lễ. Hơn nữa hai người Sanh cùng Phục chưa xưng tên họ, mà Hưng Đạo đại vương đã phán luôn Nguyễn Phục thuộc dòng dõi nhà Nguyễn. Khiến ai nấy đều kinh nghi.

Ẩn quảng cáo


Trần Quốc Tuấn cũng biết điều đó, bèn nói thêm:

-Nếu thiếu hiệp không tiện trả lời cũng không sao. Là bản vương đường đột rồi.

Nguyễn Phục nghĩ bụng: “Mình là hậu nhân của thuỷ tổ Nguyễn Bặc. Nếu nói ra thì ai nấy biết hết, cả mối thù Nguyễn Lê cũng chắc chi dấu được. Nhưng Hưng Đạo Đại Vương là bậc anh hùng, chả lẽ để ý mấy cái đấy. Cùng lắm thì mình rời khỏi đây, còn mối thù của tổ tiên từ từ suy xét cũng được.”

Nghĩ vậy, bèn nói:

-Bẩm đại vương, dòng họ của thảo dân xuất thân từ thuỷ tổ Nguyễn Bặc, chi thứ Nguyễn Đạt.

Mọi người nghe xong thì đều ồ lên kinh ngạc. Nguyễn Bặc xuất thân tướng võ, vào thời nhà Đinh làm tới Định Quốc Công. Nếu như lời Nguyễn Phục nói thì y phải là con nhà danh giá. Ở Đại Việt bấy giờ, họ Nguyễn tuy không hiếm lạ, nhưng ít ai còn lưu giữ gia phả của tổ tiên. Cứ như Nguyễn Địa Lô ấy, tuy cũng là họ Nguyễn; nhưng xuất thân không phải dòng Nguyễn chính thống. Chẳng qua đời tổ tiên được ban họ mà thôi.

Trần Quốc Tuấn nói:

-Nguyễn Bặc tướng quốc nhà Đinh ư! Quả nhiên là thế, quả nhiên là thế...

Ông nói “Quả nhiên là thế…” lặp lại hai lần, không ai hiểu chi. Đoạn, ông quay qua nói:

-Thôi, mọi người vào cả đây. Trong lúc đợi gia tướng tụ họp, ta hẵng kể cho thiếu hiệp nghe vậy.

Nói rồi ông đi vào trước, mọi người cất bước theo sau. Vào đến sảnh đường, khi ai nấy an toạ đủ cả, Trần Quốc Tuấn mới nói:

-Hôm nay bận việc chính sự nên có điều thất lễ, mong Chiêu Quốc Vương bỏ qua cho.

Trần Ích Tắc cười đáp:

-Thúc bá cứ tự nhiên, tiểu chất vô sự đăng tam bảo điện mới là người có lỗi. Chẳng qua hôm nay thấy có tin dữ ngoài biên ải truyền về, trong lòng nóng nảy nên mới tới để hỏi thăm cớ sự.

Trần Quốc Tuấn ậm ừ không vội trả lời, đợi gia nhân bưng nước cùng hoa quả lên mời khách xong xuôi, mới bày lại chuyện lúc nãy, hướng Nguyễn Phục mà hỏi rằng:

-Thiếu hiệp biết lai lịch cây thương này chăng?

Võ Sanh với Phạm Ngũ Lão đều là người học võ, thấy món binh khí của Phục được Hưng Đạo đại vương để ý như thế không khỏi lấy làm kỳ lạ, đều lắng tai nghe ngóng.

Nguyễn Phục trong bụng kinh nghi, cây thương đó theo chàng tập võ từ khi còn nhỏ, chỉ biết đó là đồ gia truyền, bèn nói:

-Bẩm đại vương, thảo dân không biết. Nguyện nghe rõ tường trình.

Trần Quốc Tuấn thấy y vẻ mặt thành khẩn, có vẻ như không biết thật, đành nói:

-Thiếu hiệp là người giang hồ, chắc đã nghe tới Bát Đại Danh Khí rồi chứ?

Phục đáp:

-Chiều nay mới nghe Yết Kiêu tướng quân kể xong. Trước đó còn chưa biết tới.

Trần Quốc Tuấn ngẫm nghĩ rồi kể:

-Trong Bát Đại Danh Khí, có một thanh gọi là Điểu Vân Phá Hồn Thương. Thanh thương này xuất phát từ thời nhà Đinh. Do tướng quốc Nguyễn Bặc nắm giữ. Tương truyền thanh thương này thân đen như mực, đầu thương tựa như vuốt ưng, khi múa lên tiếng kêu như ngàn vạn con chim cùng réo, chấn nhiếp tâm thần. Nên mới có cái tên Điểu Vân Phá Hồn. Thiếu hiệp là hậu duệ của Nguyễn Bặc tướng quốc, chắc hẳn cây thương đấy là tổ truyền.

Ẩn quảng cáo


Lời vừa dứt, ai nấy trong sảnh đều cả kinh. Nguyễn Phục lắp bắp nói:

-Điều… điều này có thật chăng!?

Trần Quốc Tuấn không đáp ngay mà gỡ thanh kiếm đeo bên hông ra, nói:

-Thanh kiếm này tên là Thiên Vấn, trước đây vốn là bội kiếm của Tần Thuỷ Hoàng. Sau này tặng lại cho Lý Ông Trọng. Hơn hai trăm năm trước đất nước ta có loạn thập nhị sứ quân, Đinh Tiên Hoàng mưu đồ thâu tóm thiên hạ về một mối. Đặt nên nền móng cho nước Đại Cồ Việt sau này.

Dừng một chút, Trần Quốc Tuấn ánh mắt lướt một vòng quanh sảnh, miệng lại nói tiếp:

-Lúc đấy, dưới trướng Đinh Tiên Hoàng có tướng tài nhiều vô số kể, nhắc tới có tứ trụ Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Lê Hoàn, Phạm Cự Lạng.

Trần Ích Tắc gật gù, nói chen vào:

-Đúng thế, sách sử có ghi rõ tứ trụ thời nhà Đinh. Chẳng qua, chuyện này thì liên quan gì tới Thiên Vấn kiếm? Cùng Điểu Vân Phá Hồn Thương?

Trần Quốc Tuấn nói:

-Sách sử? Đúng, sách sử quả nhiên ghi là thế. Nhưng mấy ai biết được. Thời nhà Đinh còn có một vị tướng quân thần dũng, sức địch muôn người. Hay có một vị quân sư tài ba, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Hai người này một mưu một võ, giúp Đinh Tiên Hoàng bình định mười hai lộ sứ quân. Từ khi khởi sự đến khi lập quốc trên chiến trường chưa hề thua một trận nào. Về sau Lê Hoàn soán ngôi vua, bởi thế chuyện này không được đề cập tới trong sách sử. Hoạ chăng dòng dõi vương thất chính thống mới biết được.

Đám người nghe Trần Quốc Tuấn kể chuyện say sưa, trên đời này chưa từng nghe thấy bao giờ. Chuyện trong sách sử một phần là thật, nhưng những thứ ly kỳ thuở xưa mấy ai mà biết hết cho được? Nay Trần Quốc Tuấn một hơi thuật lại chuyện hai trăm năm trước, mọi người chỉ dự thính mà cũng có thể cảm nhận được ẩn khuất dần dần lộ ra.

Chỉ nghe Trần Quốc Tuấn lại nói tiếp:

-Vị quân sư kia vốn là học trò của Lý Ông Trọng. Được truyền lại thanh Thiên Vấn Bảo Kiếm. Sau này y dựa theo thanh kiếm này, rèn thêm một bộ vũ khí gồm có sáu món khác nhau. Cộng thêm thanh thần đao của vị võ tướng kia. Tổng cộng có tám thanh, gọi chung là Bát Đại Kỳ Bảo, hậu thế sau này gọi là Bát Đại Danh Khí. Tương truyền, Điểu Vân Phá Hồn Thương mũi làm từ vuốt, thân làm từ xương của một con đại yêu…

Lời chưa nói xong, Trần Ích Tắc đã chen ngang, giọng nói mang vẻ chất vấn:

-Trên đời này làm gì có yêu ma quỷ quái? Hơn nữa, sách sử không ghi rõ chuyện này, làm sao phân biệt được đúng sai!

Trần Quốc Tuấn chỉ cười chứ không đáp. Mọi người trong bụng một mảnh ngờ vực, chuyện này ly kỳ cổ quái không mấy ai tin. Nhưng lại từ miệng Hưng Đạo Đại Vương kể ra, chẳng có lẽ lời xạo? Nguyễn Phục ngập ngừng chốc lát, khi không nhịn được nữa mới cất lời hỏi:

-Nếu như Đại Vương kể, không biết tên họ hai vị kia là gì?

Trần Quốc Tuấn nhíu mày, mở miệng nói:

-Chuyện này không phải điều cơ mật, bất quá…

Nghỉ chút, rồi ông nói:

-Thôi vậy, ta vốn không không muốn giấu giếm làm chi. Vị quân sư kia tên là… Lý...

Lời còn chưa kịp nói ra, đột nhiên ngoài trời nổ tiếng sấm rền, một tia sét đột nhiên từ trên thinh không đánh xuống ngay giữa sân. Tấm bình phong bằng đá vỡ tan thành từng mảnh.

Trong sảnh đường ai nấy đều khiếp vía. Phía ngoài hộ vệ hò hoán nhau chạy vào kín mít cả lối đi. Trần Quốc Tuấn ra hiệu cho đám người không có việc gì, lúc đó hộ vệ mới lui ra hết. Ông quay qua nói:

-Ta không phải không muốn kể, mà có thứ khiến ta không dám kể ra.

Lúc này mọi người mới tin chuyện đó là thật.

Báo cáo nội dung vi phạm
Ẩn quảng cáo

Nhận xét về Trần Sơ Diễn Ca

Số ký tự: 0