Chương 9: Chơi dại (2)

Những Ngày Thơ Ấu T.D 2451 từ 01:12 13/05/2022
Bộ đồ thun kèm quần xà lõn mà mẹ mua cho thằng Duy tới nay cũng hơn cả năm, trên sào đồ nó khoái nhất bộ đó, trên ngực có in hình năm anh em siêu nhân gao, cứ mẹ giặt khô là nó lại mặc, đến nỗi bây giờ cái đít mỏng như tờ giấy, đã vậy còn lủng lỗ đủ chỗ hết.

Thế nên hồi sáng, mẹ Sinh quyết định ghé sạp quần áo của cô mập mập dưới bờ kè mua cho nó thêm bộ nữa.

“Khoái bộ nào đó lựa đi!”

Duy láo liên hết mọi ngóc ngách của sạp cô mập, nó còn lấy tay vạch sào quần áo ra lựa qua lựa lại liên tục, giống y rang điệu bộ của mấy người lớn lúc lựa đồ. Nó tòm tem vậy thôi chứ từ khi bước vô trong sạp, đôi mắt nó đã sáng rỡ khi thấy bộ đồ siêu nhân treo tuốt trên cao. Sau một hồi lâu, Duy mới chỉ tay lên đó cho mẹ với cô mập đó thấy:

“Bộ đó đó mẹ!”

“Trời đất ơi! Bộ nó mặc vô là thấy đẹp liền!”

Thằng Duy nghe cô mập khen lấy khen để bộ đồ nó mới chọn, tâng bốc từ màu mè cho tới chất vải, cảm giác khiến nó thấy từ hào với khiếu thẩm mỹ bẩm sinh của mình.

Thấy vậy, mẹ cũng đồng ý với sự chọn lựa của nó. Cô mập lấy cây móc lấy bộ đồ trên cao xuống rồi bỏ vô bọc.

“Năm chục!”

“Cái gì mắc dữ vậy? Ăn cướp hay gì? Bốn chục thôi!”

Kinh nghiệm đi chợ đi búa đầy mình nên làm sao mẹ thằng Duy quên đi cái bước trả giá. Duy thấy mẹ nó tài giỏi nhất thế giới về bộ môn trả giá này rồi, chưa bao giờ nó thấy mẹ thất bại cả.

Bà cô bán hàng bắt đầu ỏng ẹo với mẹ:

“Trời ơi đồ này là đồ tốt rồi! Em bán rẻ nhất cái chợ này hông tin đi mấy chỗ khác thử coi!”

“Ba mươi lăm ngàn...!”

“Thôi em nói hông có được mà! Giá đó em không có bán được!”

“Thôi vậy đi chỗ khác Duy ơi!”

Mẹ cầm bọc đồ nhẹ nhàng đặt lên tay cô mập rồi xách đôi dép bỏ đi. Thấy mẹ chuẩn bị bước ra khỏi cửa, cô mập vội vã cản lại:

“Thôi nè! Bán cho đó! Thân lắm mới bán đó nghe, người khác là không có đâu!”

“Vậy đưa đây! Bốn chục ngàn nè!”

“Vậy đợi em thối cho chế năm ngàn!”

“Thôi khỏi mày! Trả nhiều quá sao mày có lời! Đâu phải ngày nào cũng bán được!”

Thằng Duy để ý lần nào đi ngang mấy cái sạp quần áo cũng thấy vắng tanh như chùa bà đanh, mấy tiệm lớn sang sang thì càng vắng hơn, người ta hay có mấy bộ mặc đi mặc lại tới rách mới mua cái mới, chắc mấy bà bán quần áo ế chỏng ế chơ, chỉ mỗi dịp tết đến xuân về người ta mới đổ bộ vô, lúc đó mới vô gạo.

...

Vừa về tới nhà là thằng Duy xé toang cái bọc rồi lấy cái bộ quần áo ra, màu xanh lá cây đúng sở thích của nó, mùi đồ mới ta nói thơm không thể cản lại được, nhóc Duy phải đưa lên lỗ mũi hít hà cái mới chịu.

“Để đó mẹ giặt xong rồi hả mặc! Ngứa chết!”

Mẹ chưa kịp nói thì thằng Duy đã tròng bộ đồ vô người từ tám đời trước:

“Con mặc luôn ời! Để lát con khoe siêu nhân với ông chú!”

“Lên nhà trên kêu bà cố xuống ăn cơm ăn nước rồi hả đi khoe! Bốn năm giờ chiều rồi!”

“Bà cố ơi!!! Xuống ăn cơm!”

Duy không đi lên tận nhà trên mà đứng tại chỗ réo bà cố nó. Thấy thế mẹ liền nhắc nhở nó:

Ẩn quảng cáo


“Kêu người lớn phải tới tận chỗ kêu đàng hoàng, kêu như vậy là hỗn nghe chưa!”

“Dạ con biết rồi!”

Thằng Duy được cái biết nghe lời, nó chạy riết lên nhà trên, vừa đi vừa nắm tay bà cố xuống. Trong bụng nó nôn lắm rồi, muốn đi khoe với ông chú đồ mới liền bây giờ, khoe luôn với chế Ái mình có đồ mới cho bả tức chơi. Nó và thốc và tháo từng đũa cơm đầy xào xào vào trong miệng, chan nước lạnh vô cho nuốt dễ hơn, nhìn qua nhìn lại, mẹ Sinh thấy chén cơm trên tay thằng Duy sạch bách, một hột cơm nhỏ cũng không còn.

“Thôi con đi nha mẹ!”

“Đi đi! Có đồ mới là khoe với người ta liền!”

Nó gác đôi đũa lên chén cơm, chạy lên sàn nước múc ca nước rửa sạch cái miệng rồi vọt lẹ như ma đuổi tới nơi. Chạy ra khỏi của nhà là nó bắt đầu nhảy chân sáo. Giới hạn của nỗi sợ ma chắc có lẽ là năm giờ chiều, lúc mặt trời chuẩn bị khuất bóng, giờ mới bốn giờ nên nó còn tỉnh lắm, không cảm thấy sợ khi đi khúc đường cây cối mọc bít bùng đó.

Nó vừa đi vừa nhảy chân sáo, mồm thì hát rêu rao:

“Cái cây xanh xanh

Thì lá cũng xanh

Chim đậu trên cành

Chim hót líu lo, líu lo là líu lo.

Đôi chân của Duy rong ruổi chạy theo từng nốt nhạc trên đoạn đường vắng, nắng chiều rẻ bóng trên từng khe lá mắm, cái bóng dưới chân của nó giờ này trốn đi đâu biệt tăm. Bộ đồ mẹ mới mua hợp với quang cảnh nơi đây vô cùng, những nét xanh đủ màu trên nền bức tranh chiều tà, điểm xuyến đâu đó một vài vệt nắng vàng cam.

“Ui da đau!”

Tay thằng Duy vô tình quẹt trúng bụi cây mọc lấn lướt ra cả mặt đường. Những chiếc lá cong dài, cưng cứng bền bỉ chứ không mềm mại như những loài thực vật khác ở đây, đầu lá xanh rì tua tủa ra những mũi gai nhọn hoắc. Nó nhìn đăm đăm vào bụi cây mọc dưới bờ nước, rồi xoa xoa ngón tay đang bị trầy bởi những cái lá nhọn kia, bén tới độ rướm cả máu.

Trên đỉnh tầng lá có chùm hoa trăng trắng đẹp ơi là đẹp, lại còn có trái mọc thành chùm.

“Không biết trái này có ăn được không ta?”

Đầu óc ngây thơ của nó luôn nghĩ rằng trên đời này cây gì mọc ra trái thì cũng ăn được, nên nó nghĩ cái chùm cây đầy gai góc này cũng thế. Nó định bụng hái một trái đưa lên miệng ăn thử, khi vừa đưa lên tới mép miệng, nó chợt nhớ tới vị chát chát của trái bàng non nên bèn khựng lại một chút, thằng Duy phân vân coi có nên cắn hay không. Sau một lúc đấu tranh tâm lý, nó quyết định không ăn nữa.

Thấy cái trái nó ngộ ngộ, nên Duy quyết định hái hết cả chùm để làm đồ chơi, đột nhiên nó mới nhớ ra chuyện phải khoe quần áo mới với ông chú nên ba chân bốn cẳng vọt thiệt lẹ, không thôi tới năm giờ mất.

...

Nhưng hình như ông chú không để ý nhiều gì tới bộ đồ siêu nhân xanh lá cây mà thằng Duy đang mặc trên người, ông chỉ chăm chăm nhìn thẳng vào mặt nó:

“Cái gì đây?”

“Dạ đồ mới!”

“Không, không phải, ông chú hỏi trong lỗ mũi mày kìa?”

Thằng Duy lúc này mới nhận ra càng lúc nó càng thấy ngột ngạt, một bên lỗ mũi của nó đang bị kẹt cứng. Nó thấy mặt ông chú Út tối sầm lại, nhìn Duy bằng vẻ mặt lo sợ.

Ông lớn tiếng réo gọi cô Mẹc ở nhà sau:

“Nhi ơi Nhỉ! Mày ra mày coi lỗ mũi nó có cái gì nè!”

Nghe tiếng gọi bất thình lình của ông cha, cô Mẹc từ nhà sau phóng nhanh như xe máy chạy lên nhà trước. Cô dần dần nhận ra sự bất thường trong cái lỗ mũi trái của thằng Duy, hai tay cô Mẹc giữ chặt hai bên má nó, dồn hết ánh nhìn của con mắt vào cái khe mũi tối om của nó.

“Trời má! Nó nhét trái ô rô vô trong lỗ mũi!”

Ông chú nghe thấy liền hốt hoảng:

“Cái gì thiệt hả? Trái ô rô bự bằng ngón tay Út tao vậy đó....!”

Thằng Duy vẫn còn ngây thơ chán:

Ẩn quảng cáo


“Trái đó không ăn được hả cô Mẹc?”

“Ăn cha bây chứ ăn! Rồi ai dạy ăn bằng lỗ mũi vậy hả?”

Thật ra, nhóc Duy không có ý định sẽ ăn trái ô rô, nó chỉ định hái vài trái để cầm tay chơi cho vui. Ban đầu, nó nhét trái ô rô vô cái mũi bên phải, rồi hỉ ra ngoài coi nó bắn đi bao xa. Thằng Duy làm y chang vậy với cái lỗ mũi bên trái, không biết từ lúc nào mà nó hít vô luôn bên trong. Nó vẫn nghĩ như vậy là bình thường, vô trong lỗ mũi thì trái ô rô cũng sẽ tiêu giống như lúc nó ăn cơm.

Ông chú Út bồng vội thằng Duy lên trên nách, đưa nó thật nhanh về nhà, vừa đi vừa kêu nó hỉ mạnh ra để trái ô rô có cơ hội ra ngoài. Nhưng có lẽ do kích thước quá to so với lỗ mũi, nên trái ô rô cứ nằm lì trong đó.

Tin thằng Duy nhét trái ô rô vô trong khe mũi nhanh chóng lan rộng ra khắp sớm. Mẹ sinh bắt thằng Duy ngồi trên cái giường tre bỏ xó chỗ gốc bàng, dần dần nó thấy càng nhiều người bu lại chỗ nó, có cả ông chú Năm, Út Mẫn, rồi chú Tình với chú Khải nữa.

“Con Sinh kìm chắc nó lại nghe!”

Thằng Duy vẫn còn tỉnh lắm, nó chưa nhận ra được sự nguy hiểm có việc nhét đồ vật vô trong lỗ mũi, mặc dù khó thở nhưng lỗ mũi phải của nó vẫn thở phà phà như phun khói. Nó thấy lạ khi thấy mẹ Sinh ngày càng ôm chặt nó hơn từ phía sau, mẹ giữ hai tay nó về trước đến mặt nó không cử động được. Cho tới khi nó thấy cha cầm nguyên cây gắp bằng sắt trước mặt.

“Banh lỗ mũi ra!”

Chiếc kẹp gắp ngày càng gần cái lỗ mũi nó, cha lấy ngón tay cái kéo nhẹ vành mũi trái của nó lên, vừa định chọt đầu nhọn vào thì thằng Duy khóc ré lên như được mùa.

“Kiềm chắc nó lại, nó giãy kiểu này sao mà lấy ra!”

Giờ không chỉ mỗi mẹ Sinh, mà mấy chú bự con cũng tiến lại giữ chặt lấy nó. Thằng Duy như biến thành siêu nhân, không biết ai bơm sức mạnh cho nó mà nó giãy giụa càng ghê gớm hơn.

“Được chưa vậy Khanh, giữ quài một hồi thằng nhỏ nó đau!”

“Không được rồi! Trái ô rô bự quá gắp ra không được!”

Cái kìm cũng chịu thua trước cái trái ô rô cứng đầu kia, cha Khanh bắt đầu đổi sang cái khác, lần này chính là cây móc lỗ tai có cai muỗng nhỏ trên đầu. Thế nhưng cũng không khá khẩm gì hơn, cây móc ốm nhách ấy cũng bại trận. Không biết cha Khanh đã đổi dụng cụ bao nhiêu lần, nó chỉ thấy Út Mẫn đem ra nguyên đống đồ làm móng chân của cô cho cha mượn, kể cả đổi người gắp cũng không tiến triển gì hơn.

“Kiểu này phải chở gấp nó ra bệnh viện thôi!”

“Để hai vợ chồng tao ôm nó, rồi mày với con Sinh chuẩn bị tiền chạy theo sau!”

Thế là kế hoạch chuyển sang hướng khả thi hơn chính là đi bệnh viện. Thằng Duy ngồi trong lòng của vợ chú Khải, lúc ra đến tỉnh thì trời đã sập tối. Không hiểu sao thần trí thằng Duy bắt đầu cảm thấy mơ hồ, đôi mắt long lanh chỉ còn nhìn được mờ mờ, nó thấy người càng ngày càng mệt, đầu óc thì choáng đến nỗi nó phải gục đầu vào lòng của thím Khải. Nó chỉ còn nhớ những ánh sáng lấp lánh của những chiếc đèn phố thị, âm thanh xe cộ ồn ào nhất từ trước đến giờ mà nó nghe được, bóng dáng của từng người mặc áo choàng trắng hiện ra trước mặt nó.

“Đặt nó nằm trên ghế đi!”

Thằng Duy quơ tay múa chân tứ phía cản ông bác sĩ về phía mình:

“Sợ quá! Chú đừng có lại gần con!”

“Không lấy ra là sẽ chết đó!”

Câu nói của người đàn ông áo trắng lại trở nên quyền lực vô cùng, thằng Duy sợ chết, nó còn chưa gặp được cô trong loa phát thanh, chưa được đi học, nó chết đi thì sau này ai lo cho mẹ.

Nó nằm im re không nói không rằng gì nữa, Duy không còn nhìn rõ mặt ông bác sĩ, nó chỉ thấy bóng của mấy cái kẹp kim loại lơ quơ trước mặt. Chiếc mũi nó đang được ông bác sĩ nong từ từ ra, nó cảm thấy rát rát nhưng không dám nhúc nhích, mẹ Sinh luôn kế bên nó làm nó đỡ sợ hơn.

Duy cứ tưởng từ nãy đến giờ đã trải qua mấy chục năm rồi, nó không biết nó đã nằm trên cái ghế gập của nhà ông bác sĩ bao lâu nữa. Lúc Duy tỉnh giấc cũng là lúc mà mẹ bồng nó trên tay, còn cha đang trả tiền công cho ông Bác ấy.

Thằng Duy lén nhìn trái ô rô trên cái khăn trắng, từ màu xanh mà bây giờ chuyển hẳn sang màu nâu. Giờ nhìn cái trái ấy nó chỉ phần nhiều thấy sợ và sự ám ảnh đối với những chiếc kẹp gắp kim loại. Phải chi nó không chơi cái trò ngu si này chắc mọi người đã không lo đến thế, nhà lại không phải tốn tiền làm giàu cho bác sĩ.

...

“Chỗ nào đâu dắt chú đi coi!”

“Dạ cái cây này nè!”

Chuyện thằng Duy nhét trái ô rô vô mũi riết rồi ai cũng biết, mỗi lần ai hỏi, nó lại dắt họ tới bụi cây gai góc đầy ảm ảnh đó.

Báo cáo nội dung vi phạm
Ẩn quảng cáo

Nhận xét về Những Ngày Thơ Ấu

Số ký tự: 0