Chương 6: Đám cưới tháng cô hồn

Mùa Lúa Trổ Đòng Umio 1754 từ 10:06 08/08/2022
Hồi bà nội vẫn còn, cái Lúa thích nhất là những buổi trưa hè được nằm trên chõng để bà vừa phe phẩy cái quạt mo cau, vừa nhẩn nha kể hết câu chuyện cổ tích này đến câu chuyện cổ tích nọ. Trong số ấy, nó mê tít chuyện Ông Ngâu Bà Ngâu mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần vào ngày mùng bảy tháng bảy âm lịch. Lần nào nghe nó nài nỉ, bà cũng chỉ cười bỏm bẻm rồi lại cất giọng ngâm nga:

- Ngày xửa ngày xưa, có một vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng tên là Ngưu Lang...

Làn gió êm dịu từ chiếc quạt mo cau đều đều phả vào gáy, lại thêm bàn tay thô ráp, chai sạn của bà gãi nhẹ trên lưng làm cái Lúa không sao cưỡng lại được cơn buồn ngủ. Nó cố nâng hai mí mắt để lắng nghe nốt câu chuyện bà kể, nhưng rồi những lời trầm thấp của bà cứ như vậy ru nó chìm vào giấc ngủ ban trưa:

- Bắt nguồn từ sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ nên dân ta thường gọi tháng bảy là “tháng ngâu”, đại kỵ việc cưới xin vì đôi lứa sẽ gặp phải sự chia ly, trắc trở như vợ chồng Ngâu…

Lớn lên hơn một chút, cái Lúa lại được thầy cắt nghĩa cho rằng, tháng bảy lịch ta[1] là thời gian mở cửa địa ngục, những vong linh vất vưởng sẽ được dịp tràn lên cõi dương và nhăm nhe cướp xác của người sống hòng thoát kiếp Ngạ quỷ[2]. Thầy còn dạy cho cái Lúa rất nhiều điều cấm kỵ trong tháng cô hồn, có điều nó nhớ có điều không, nhưng suốt cả tháng ấy lúc nào Lúa cũng nơm nớp lo sợ như thể bọn Ngạ quỷ vô hình đang thè lưỡi ngay trên đầu nó.

Trong suy nghĩ của cái Lúa, tháng bảy giống như một quãng âm u trong năm, không ai mong nó tới, và khi nó tới thì người ta chỉ ngóng chờ cho chóng qua để còn đón tết Trung thu.

Vậy mà năm nay, làng Sỏi lại được chứng kiến một đám cưới vào tháng ngâu.

- Lúa! Lúa ơi! Đi sang nhà bác Mão nấu cỗ với bọn tao đi.

Nghe thấy tiếng í ới ngoài cổng, Lúa biết ngay là tụi cái Hồng, cái Na đang đứng thập thò. Sáng nay u nó đã lật đật chạy sang nhà bác Mão từ sớm, cũng bởi cái đám cỗ - nửa là đám cưới, nửa là làng phạt vạ chửa hoang. Nói như vậy là vì hương ước[3] của làng Sỏi có lệ: trai gái chưa nộp tiền cheo[4] mà đã trót ăn nằm với nhau đến có chửa thì phải mua thịt, mua rượu làm cỗ khao làng ba ngày ba đêm. Hết ba ngày ấy, hai bên gia đình còn phải lo liệu đủ một số tiền để nộp cho các cụ kỳ mục, mới coi như xong chuyện.

Thành thử cái đám cỗ ở nhà bác Mão xóm Hạ và bác Bính xóm Thượng, gọi là đám cưới mà cũng chẳng ra hình hài của một đám cưới. Nhà trai, nhà gái mặt mũi ai nấy đều buồn xo, chỉ có đám con trẻ được dịp ăn uống no nê là thích thú, mới tinh mơ đã ríu rít chạy đến nhà hai họ để rình cỗ.

- Tao không đi được đâu. Bà Loan vất[5] thằng cu Mùi ở đây để sang nhà bác Bính, tao phải trông nó đây này.

Cái Na nhăn mặt:

Ẩn quảng cáo


- Đưa cả nó theo, có sao đâu! Đi đi, sang đấy cỗ to tha hồ mà ăn.

Sự bướng bỉnh của cái Na làm Lúa phát bực, định thò tay véo vào người nó một cái. Nó làm như cái Lúa tham ăn lắm mà cứ lấy cỗ to ra để dụ, chẳng mảy may biết rằng trong lòng con bé lúc này đang rối như tơ vò.

Nó thấy buồn và giận anh Đông quá! Còn nhớ mới hôm nào nó khen anh thật thà chất phác, cậu Trinh có “xách dép” cũng không theo kịp. Thế mà anh nỡ lòng nào bỏ rơi cô hàng xóm chỉ cách nhà anh có một bờ tường để học theo cái trò của cậu Trinh - rủ con gái nhà người ta vào bụi rậm, đến nông nỗi phải vạ[6] với làng!

Bây giờ tụi cái Hồng, cái Na lại bảo Lúa sang nấu cỗ cho đằng nhà gái - làm sao nó làm được?

Đương lúc hai bên còn dùng dằng, chẳng ai chịu nhường ai thì con bé Mơ cháu ông Thìn bỗng từ đâu chạy đến, nom cái bộ dạng hớt hơ hớt hải cứ như bị ma đuổi.

- Các chị ơi. - Nó vừa thở hổn hển vừa mếu máo không thành tiếng. - Chị Nguyệt… Chị Nguyệt nhảy sông tự vẫn rồi!

Nhất thời cả ba đứa con gái đồng thanh kêu lên:

- Hả?

- Sáng nay mọi người tưởng chị Nguyệt ngủ mệt nên không dám gọi, đến gần trưa vào kiểm tra buồng thì mới biết chị ấy bỏ đi từ bao giờ, còn để lại thư tuyệt mệnh. Các chú, các bác chia nhau đi tìm thì thấy… thấy đôi dép với dải buộc tóc của chị Nguyệt trên bờ sông. Bây giờ em phải về gọi thầy em đi mò sông tìm xác chị ấy đây!

Nói rồi con Mơ tất tả chạy đi, để lại ba đứa đứng ngẩn người không biết nói gì. Cuối cùng tụi cái Na, cái Hồng quyết định sang nhà bác Bính để nghe ngóng tình hình và phụ giúp người lớn, còn cái Lúa tốt nhất là cứ ở nhà với thằng Mùi, có chuyện gì tụi nó sẽ qua thông báo ngay.

Hứa hẹn như vậy mà cả ngày hôm đó chúng nó cũng biến đâu mất dạng, chỉ có một mình Lúa ở nhà thấp thỏm không yên.

Mãi cho đến khi trời tối mịt, thầy u mới mệt mỏi trở về.

Lúc ấy Lúa mới biết thầy nó cũng tham gia mò sông vớt xác cái Nguyệt, nhưng lùng sục cả một buổi chiều mà không tìm được gì, cánh đàn ông đành phải bỏ cuộc và hy vọng rằng ngày mai cái xác sẽ nổi lên. Còn u thì ở lại nhà bác Mão để thu dọn cỗ bàn, nghe đâu bác Mão gái biết tin cái Nguyệt nhảy sông tự vẫn thì gào khóc đến mức ngất đi, bây giờ nhà bên ấy đang rối tinh rối mù[6] hết cả lên.

Ẩn quảng cáo


Rồi sau nữa, cái Lúa lại được u kể cho nghe rằng, trong lá thư tuyệt mệnh Nguyệt có thú nhận đứa bé trong bụng nó không phải là con anh Đông. Đúng thật là hai người vẫn chỉ trò chuyện trong sáng với nhau ở dưới gốc đa đầu làng thôi, anh Đông cũng chưa một lần đi quá giới hạn với nó. Còn về việc cha của đứa bé là ai thì cái Nguyệt không nhắc đến, nhưng người ta đang kháo nhau đích thị là cậu Trinh chứ chẳng phải ai khác. Đến lúc này, một thằng cu xóm Hạ mới khai rằng nó từng nhìn thấy cậu kéo tay cái Nguyệt trong buổi tối nọ.

Thầy ngồi ngoài sân nghe thấy hết câu chuyện u kể, nhưng từ đầu đến cuối cũng chẳng hé môi, chỉ lặng lẽ kéo một hơi thuốc lào. Mãi sau thầy mới trầm ngâm như đang nói chuyện một mình:

- Khổ thân thằng Đông, vì nhà ta nên nó mới phải…

Ngay cả u, thường ngày ghét bỏ anh Đông là thế mà cũng thở hắt ra một hơi buồn bã. Câu nói tự trách của thầy và cái thở dài đầy áy náy của u đã khiến Lúa lờ mờ nhận ra điều gì đó.

Làng trên xóm dưới ai cũng biết cái Nguyệt thích anh Đông, tại sao nó lại phải nói dối để đổ vạ cho anh? Trong phiên xét xử ngày hôm đó, bác Tí đã thì thầm câu gì để nó phải nhận là anh Đông làm nó có chửa?

Chỉ một câu nói đã “đổi trắng thay đen”, còn ai khác ngoài cậu Trinh có thể làm được điều ấy? Ngẫm ra thì một người ngạo mạn và hung hăng như cậu sao lại để yên cho anh Đông sau buổi tối hôm ấy cơ chứ.

Tất cả là tại cái Lúa, tại nó nên anh mới ra cớ sự này…

Nếu như ngày hôm đó, anh Đông không đi ngang qua đường làng, hoặc có đi qua nhưng lại ngó lơ việc đồi bại của cậu Trinh thì có lẽ gia đình anh sẽ không trở thành cái gai trong mắt cụ Ký tiên chỉ, anh cũng sẽ không vướng vào tất thảy những bòng bong này. Nhưng… nếu không có anh Đông thì người nằm dưới bờ sông lạnh lẽo ngày hôm nay sẽ là nó, chứ không phải cái Nguyệt…

Nghĩ đến đấy cái Lúa thốt nhiên rùng mình một cái, dù không có cơn gió nào thổi qua. Nó ngước mắt nhìn thầy u rồi lại nhìn xuống hai đứa em đang ngủ ngon lành, đêm nay sẽ là một đêm mất ngủ với nhiều người trong làng, ngay cả với chính nó, thế nhưng những âu lo và rối bời ấy dường như không thể chạm được đến bọn trẻ.

Và cái Lúa chợt nhận ra, đã đến lúc nó phải giã từ những vô lo vô nghĩ để mà học cách thương, cách nhớ một người. Dẫu cho cái người ấy với nó cũng xa xôi, cách trở chẳng kém gì ông Ngâu bà Ngâu trong lời bà kể năm nào. Thế nhưng mùa hè năm mười bốn tuổi, cái Lúa đã tự nhủ với lòng mình rằng, đến ông Ngâu bà Ngâu còn được gặp nhau mỗi năm một lần, vậy thì nó và anh hàng xóm chỉ “cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn” kia sẽ chẳng thể cách xa mãi mãi.

Lúa sẽ lớn thật nhanh, thật nhanh để mùa lúa trổ đòng sang năm, khi vừa tròn mười lăm tuổi, nó có thể đường hoàng nhìn vào mắt anh mà nói: Em thương anh đã từ lâu lắm. Từ giờ trở đi hãy chỉ ngâm thơ cho một mình em thôi, anh nhé!

Báo cáo nội dung vi phạm
[1] lịch ta: tức Âm lịch.

[2] Ngạ quỷ: ma đói, cô hồn, vong linh hoặc còn biết đến với tên gọi dã quỷ, quỷ đói - cách gọi của dân gian chỉ những con ma hay những linh hồn phiêu dạt không nơi nương tựa, không người thờ cúng hoặc chết vì đói khát bệnh tật.

[3] hương ước: những quy ước, điều lệ của một cộng đồng chung sống trong một khu vực. Là bản pháp lý đầu tiên của các làng xã nhằm góp phần điều hòa các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng.

[4] tiền cheo: Tiền cheo là khoản tiền nhà trai dùng để nạp cho làng xã bên nhà gái, được manh nha từ một tục có tên gọi “lan nhai”, xem như một thủ tục hành chính nhằm công nhận cuộc hôn nhân của những đôi nam nữ khi đến tuổi trưởng thành.

[5] vất: (ít dùng) tương tự động từ “vứt”.

[6] phải vạ: như “phải tội”.

[7] rối tinh rối mù: (Khẩu ngữ) như rối tinh (nhưng nghĩa mạnh hơn).

rối tinh: (Khẩu ngữ) rối tung, mọi cái nhằng nhịt vào nhau làm cho không còn biết đằng nào mà lần.
Ẩn quảng cáo

Nhận xét về Mùa Lúa Trổ Đòng

Số ký tự: 0