Chương 9: Con chịu lấy chồng không?

Mợ Tư Chà 2235 từ 10:16 08/07/2022
Sau lần bị đánh đó Sự đổi tính hoàn toàn, có việc hay không có việc cũng cắp nón cói ra đồng thăm ruộng. Sau mấy ngày da rám nắng thấy rõ mới coi như có chút thành tựu, nhà bao nhiêu đất cũng nắm được đại khái.

Mơ gắp miếng cá chiên vào chén, hỏi: “Đâu anh Hai nói em nghe nhà mình có bao nhiêu ruộng? Tá điền mướn đất được nhiêu người?”

Sự mới đi ruộng về nên bụng đói cồn cào, chưa nhai xong miếng này đã gắp miếng kia, ăn như mấy ngày bị bỏ đói. Vợ Sự ngồi kế bên nhăn mặt, nhưng cũng thương chồng mà rót ly nước đưa qua.

Sự vừa nhai vừa nói, cơm văng như mưa.

“Mày làm như có mình mày biết vậy, anh Hai cũng biết nghe con. Đất công điền hết thảy có bốn trăm lẻ ba mẫu, còn mấy miếng đất trên xóm Cào thì hơn bảy mươi công vuông.”

“Vậy tá điền đang làm cho mình có nhiêu người?”

“Cỡ gần hai trăm người.” Sự nhìn Mơ, thấy em gái cười thì chột dạ lắp bắp: “Một trăm… sáu chục người.”

Vợ Sự đẩy chén cơm mới xới cho chồng, vẻ mặt như mong chờ chuyện vui.

Thảo gả về đây đã gần nửa năm nên xem như cũng biết ai “nắm trùm” trong nhà. Hồi chưa gả, mẹ cô có cho người nghe ngóng chuyện nhà bên này, dư luận của người sống xung quanh chia làm hai phe. Một bên thì bĩu môi cảm thán sự bốc lột của điền chủ với tá điền và cho rằng điền chủ nào cũng xấu xa như nhau, bên còn lại thì lên tiếng khen bà Ký vài năm trở lại đây đã biết ở hiền tích phước.

Nhưng dù là phiên bản nào thì mọi người cũng sẽ nhắc về cô em chồng thứ tư như một hiện tượng lạ lùng. Người thì nói Mơ bị bệnh tới hỏng não nên nói năng không ai hiểu gì, người thì nói cô có tư tưởng của gái tân thời không chịu yếu thế trước bọn đàn ông. Thảo nhớ lại một vài chuyện rồi lén nhìn Mơ.

Bụng của Thu đã ba tháng, chưa nhô cao nhưng tròn vo nhìn rất thích mắt. Dạo này Thu có nghén nên cứ nhìn thấy cá là chỉ muốn nôn hết, có thai mà ăn uống khó khăn nên người gầy sọp đi.

Thu cười cười nhìn anh trai.

“Tá điền nhà mình nhiều lắm, mùa rồi em theo con Tư đi thu huê lợi mà mệt đứt hơi, đi được nửa ngày thì về trước rồi. Chắc là hơn hai trăm nhà đó.”

Sự thấy Mơ cười thì cáu nhặng lên, quát: “Cái con nhỏ này, bao nhiêu? Cười gì mà cười?"

“Sao nổi quạo với em? Em không nói, anh tự đi đếm đi.”

Cũng hay vừa lúc ăn xong cơm, Mơ buông chén đi luôn một mạch lên nhà trên.

Thảo huých tay chồng: “Mình kỳ cục quá, cô Tư giận rồi kìa! Tự dưng đi nổi nóng với cổ?”

Sự chột dạ: “Tôi nói chuyện bình thường mà, có nạt nộ gì nó đâu?”

Thu lắc đầu: “Chớ bộ anh Hai hông biết tính con Tư sao mà còn nói chuyện lớn tiếng? Hồi tía còn sống mà nói lớn tiếng với nó thì nó cũng làm lơ hà.”

Thu gắp miếng rau muống xào cuối cùng: “Hông phải nó giận đâu, tại tính nó không thích nói chuyện với người nóng nảy.”

Sự chậc lưỡi: “Tính khí thất thường vầy rồi gả cho ai đây? Chắc ế quá!”

Thu ngẩng đầu nhìn anh trai, tròn mắt: “Ủa? Chớ bộ anh Hai hông biết bà Thông đang tính hỏi cưới con Tư cho con trai bả hả?”

“Bà Thông hôm bữa qua hỏi cưới mày cho con bả đó hả? Bả còn đứa con trai nào khác sao?”

Thảo liếc nhìn chồng, đánh bộp vào tay anh: “Mình vô tâm quá, chuyện trong nhà mà hổng biết gì hết. Đúng là bà Thông hôm trước tới nhà mình đó, bả có mỗi đứa con trai thứ Tư là chưa lập gia đình thôi. Còn đứa nào nữa đâu?”

Ẩn quảng cáo


Sự trợn mắt nhìn hai người, Thu cúi đầu ăn vờ như không biết gì, Thảo biết chuyện nhạy cảm nên cũng không lên tiếng nữa. Chỉ có Sự, đôi mày nhíu lại như sắp dính vào nhau.



Một ngày nắng đẹp, Mơ với Sự đi thăm ruộng về thì thấy trước sân nhà mình đậu chiếc xe hơi mới cóng.

Phải biết thời đó có năm sáu ngàn đồng mua xe hơi phải là nhà giàu có thật sự, chưa kể đây là dòng xe mới.

Mơ đội lá sen, nắng chói chang làm lá sen mềm oặt, nằm rũ rượi trên đầu cô. Mặt Mơ nhăn tít nhìn anh trai đang điên cuồng sờ mó chiếc xe.

“Sao anh Hai biết?”

“Công trình tao ăn chơi gần chục năm hổng lẽ hông biết? Chiếc này là chiếc Renault Monasix model RY2 mới ra đầu năm nay, giá bây giờ ít lắm cũng phải mười ngàn đồng bạc. Má ơi đẹp quá xá!"

Mấy bà bạn hay qua chơi với bà Ký dù giàu có cũng chỉ đi xe ngựa, chưa thấy ai đi xe hơi sang trọng như vậy. Mơ nheo mắt nhìn vào nhà, thấy hai người phụ nữ đang ngồi nói chuyện với mẹ mình.

Bà Thông hớp ngụm trà, trời nóng nhưng ngụm trà nóng này vẫn không mảy may làm bà có điều gì thất lễ. Bà Thông giàu có quý phái, cái quý phái của bà là nhờ chất nho nhã trong tính cách chứ không hẳn do sự giàu có về vật chất mang lại.

Nghe nói cha bà Thông là một nhà Nho có tiếng ở Cần Thơ, từ nhỏ bà đã được dạy dỗ như một cô gái nền nếp truyền thống, vừa đẹp vừa dịu dàng nên thu hút nhiều ong bướm vây quanh. Ông Thông thời đó là công tử có tiếng đất Cần Thơ cũng nguyện “rửa tay gác kiếm” quỳ gối dưới chân mỹ nhân. Chuyện này một thời làm xôn xao giới ăn chơi Sài Gòn – Chợ Lớn.

Ở cái tuổi ngũ tuần, tuy gương mặt bà Thông đã có dấu ấn thời gian nhưng nét đẹp khi xưa vẫn còn đó, nét đẹp của tri thức, hiểu biết và lễ nghĩa.

Bà Ký trông theo hai đứa con đi khuất bóng rồi thở dài, bà thấy xấu hổ với bà Thông. Hôm thông báo hồi hôn bà thực sự chỉ muốn đào cái lỗ mà chui xuống đó, nếu được thì bà chui xuống đất gặp ông Ký mà tạ lỗi với ông, lúc đó bà đã nghĩ như thế.

Nghĩ đến đây bà Ký lại không kiềm được, vành mắt đau ân ẩn, giọng bà nghẹn đi.

“Tôi có lỗi với nhà bên đó lắm, thiệt cái lỗi này không biết làm gì mà hết được. Nay chị xuống đây trách tôi sao cũng được, con dại cái mang mà.”

Bà Thông cười hiền: “Tôi không trách chị. Tụi trẻ lớn rồi có suy nghĩ riêng, dù cho nó có lỡ dại thì cũng là cái bồng bột của người trẻ chưa thấu sự đời, chị đừng ôm hết về mình mà buồn lòng. Hôm nay tôi xuống đây cũng không phải để trách lỗi a. Tôi xuống cốt là để thăm chị, sau là muốn nói chị biết một chuyện, xem chị tính sao."

Nói đoạn bà ngừng một lát rồi ngó vào trong, dưới bếp vọng lên tiếng Mơ đang cười đùa với người làm. Bà Ký vội lớn tiếng nhắc nhở nhà có khách, dè đâu bị bà Thông đè tay ngăn lại.

“Hổm trước tôi có đem ngày sinh tháng đẻ của hai đứa nhỏ đi xin ngày cưới, thầy đó ở tận bên Bến Tre. Cũng không biết thầy tính toán thế nào mà tính ra năm xui tháng hạn của tôi với chị. Thầy nói năm nay vừa đúng năm tuổi của chúng mình, nếu trong nhà có hỷ thì mới có thể xua vận hạn, xua được cái hạn về sức khoẻ của tôi với chị Ký đây. Mà chuyện cưới hỏi của đứa lớn không thành nên….”



Nắng chiều chưa tắt hẳn nhưng nhà bà Ký đã lên đèn, vào khoảng năm 1930 thì dầu đốt đèn cũng là một loại đồ xa xỉ nên khu đó chỉ có nhà bà Ký thắp đèn sáng trưng như thế.

Bà Ký ngồi trên chiếc ghế tựa ngóng ra cửa, tiếng ển ương kêu ồm ộp làm khung cảnh buồn càng thêm buồn.

Trời nhá nhem tối, cạnh đường đi vào nhà có bóng người đang hì hục đào đất, bà Ký phải nheo mắt lại nhìn thêm mấy bận mới cất tiếng gọi.

“Tối rồi còn làm gì ngoài đó vậy Mơ?”

Tiếng Mơ vọng vào: “Khóm bông mười giờ của con mọc tùm lum rồi, con sửa lại cái.”

“Trời tối vầy có thấy đường đâu mà mần? Đi vô mau, để mai làm.”

Ẩn quảng cáo


Bà Ký hóng ra sân nói thêm vài tiếng nữa, chừng thấy bóng người chật vật đứng dậy đi vào mới yên tâm ngã lưng ra ghế.

Mùa này mưa dầm suốt ngày, ngoài đó toàn là muỗi, bà lo con gái bị muỗi cắn lại bệnh sốt như năm đó, nếu mà vậy chắc lần này con nhỏ bị ngu thật chứ không đùa.

Lát sau Mơ đi ra, tay cầm theo cái quạt ngồi xuống cạnh bà.

“Má có chuyện gì muốn nói hả? Sao một hai kêu con vô vậy?”

Bà Ký nhìn con gái, ngọn đèn dầu hiu hắt phía sau yếu ớt chiếu sáng trên mặt Mơ, con gái bà càng lớn càng xinh.

Bà đột ngột hỏi: “Con chịu lấy chồng hông?”

Mơ ngẩn ngơ một hồi. Bà Ký biết con gái nhỏ tính tình khác lạ không nghe sắp đặt, nếu nó đã không đồng ý thì có ép cũng không được, còn nếu nói câu “không chịu gả thì dọn ra khỏi nhà” như chị Ba nó thì không chừng nó dọn đi thật. Đứa con này không ép được, không ép được.

Mơ hỏi: “Chuyện con lấy chồng có liên quan tới chuyện bà Thông qua nhà mình sáng nay hả má? Bà Thông muốn làm mai hay sao?”

“Bà Thông qua hỏi cưới mày cho con trai của bả.”

Mơ đứng bật dậy, nhìn bà Ký như thể nhìn ai đó xa lạ vô tình gặp ngoài đường, rồi chẳng biết nghĩ gì Mơ lại ngồi xuống.

“Má giỡn chơi hả? Bà Thông có hai con trai và hai con gái, con trai lớn lấy vợ rồi, còn con trai nhỏ là cái người qua hỏi cưới chị Ba hôm trước. Bà Thông còn đứa nào nữa đâu?”

Bà Ký thở dài thậm thượt. Thật ra dù không có chuyện quẻ bói đại hung kia thì bà vẫn muốn gả con cho nhà bên đó, bà Thông hiểu chuyện, con rể có học, gia đình quyền thế vậy thì ai mà không ham cho đặng?

Bà biết Mơ bình thường có hơi cứng đầu nhưng lại là đứa yếu lòng nhất, rồi bà kể cho cô nghe hết thảy cuộc nói chuyện lúc sáng.

“Bà Thông đã tính hỏi dâu chỗ khác mà tại bả thương má nên nói má nghe. Giờ chị mày có nơi có chốn rồi, em mày còn nhỏ, nếu gả trong năm nay cũng chỉ có mày thôi. Má nói mày nghe vậy, nếu mày không ưng thì má không ép.”

Năm nay Mơ tròn mười tám tuổi tuổi, con trai nhỏ của bà Thông hai mươi lăm.

“Má thấy sao?”

“Chị bây mà không lỡ dại thì dù có ép uổng tao cũng gả cho nhà bên đó. Nhà ông Thông có tiếng trong vùng, đất đai bạc ngàn, biết bao nhiêu chỗ cầu cạnh mai mối mà không được, cái vận này rớt trúng nhà mình thì có phước lắm đa. Mà má biết tính mày, nên mày chịu thì chịu, không chịu thì thôi, tao không ép.”

Nói vậy chứ Mơ mà từ chối bà Ký sẽ tiếc như ai cắt ruột cho xem, chỉ là bà không dám nói.

Thời đại này tuy đã bắt đầu hô hào đòi nữ quyền, nêu cao vai trò của phụ nữ trong xã hội nhưng thâm căn cố đế trong tư tưởng mọi người vẫn xem nhẹ phụ nữ. Đặc biệt là con gái ở quê lớn lên chỉ chờ gả đi rồi yên bình sống qua một đời, hoàn toàn không có ước mơ tự do tự tại. Hoặc có thể họ bị ảnh hưởng của tư tưởng thời đại, rằng một tấm chồng, một đứa con trai đã là thành tựu lớn lao mà cả đời họ có được nên chỉ thế thôi, không đòi hỏi cũng không kháng cự.

Mơ im lặng, không nói năng gì nữa.

Khi bà Ký nghĩ rằng cô sẽ từ chối và chống đối bà bằng cách im lặng như vậy mãi thì Mơ lại lên tiếng.

“Vậy thì gả con đi, con ưng bụng.”

Hết chương 9

Báo cáo nội dung vi phạm
Ẩn quảng cáo

Nhận xét về Mợ Tư

Số ký tự: 0