Chương 9: Ước Hẹn Đêm Trăng Tròn

Lý Phế Hậu Thanh Hi 2424 từ 00:41 23/01/2022
Hoàng cung đêm tiết trông Trăng thật náo nhiệt.

Các cung nhân bên mang hết tuần rượu này, lại mang thêm đợt bánh khác lên các mâm của quan viên, và quý tộc được mời đến dự tiệc.

Các vũ nữ tài hoa, nổi tiếng trong chốn kinh kì cũng được cho vời đến để biểu diễn góp vui. Tiếng hát, tiếng nhạc hòa với tiếng cười, tiếng nói vang khắp điện Long Ứng. Tất cả tạo nên một khung cảnh thịnh thế hoa lệ trong chốn cung điện quyền uy.

Hoàng thượng nhìn những món bánh được chế tác tinh xảo bày trên bàn lại chán nản thở dài một tiếng, bàn tay vô thức nghịch chiếc đèn lồng được làm từ giấy đắt tiền bên cạnh. Chiếc đèn có hình cá chép lớn, với những vẫy bạc được tỉ mẫn vẽ ra. Lúc sáng, khi nữ đế đến Vọng Nguyệt lâu học tập đã thấy nó được treo bên cạnh cột nhà trong lâu, trên đó còn thoang thoảng mùi hồ dán chưa khô hòa lẫn với hương thơm mực tàu đắt tiền. Có nô tì tiến lên định mang đèn lồng đi nhưng nhà vua đã cản lại và giữ nó làm đèn đi chơi trăng vào đêm hội trông Trăng.

Nữ đế mãi hồi tưởng về câu chuyện chiếc đèn, nên ngay cả khi thái hậu ngồi bên khẽ gọi nhiều lần nàng vẫn không đáp lại. Cuối cùng nhũ mẫu Đào phải tranh thủ lúc tiến đến hầu bánh, hầu trà hoàng thượng liền gọi nàng đáp lời Trần thái hậu bên cạnh.

Nhà vua như bừng tỉnh, hoảng hốt quay sang nhìn khuôn mặt đầy nét nghiêm nghị của thái hậu. Sự lo sợ hiện rõ trên mặt của ấu chúa. Mẫu hậu của nàng nổi tiếng là người khuôn phép, kỉ luật dù chỉ một hạt bụi bà cũng chẳng chịu nỗi, nói chi là việc lơ đễnh của nàng trong ngày lễ trọng đại này.

"Trăng đã lên cao, hoàng thượng hãy cùng đi rước đèn với những tiểu thư, công tử khác đi." Thái hậu bày ra nét mặt bình thản nhìn nhà vua, tay khẽ đưa ra, một nô tì hầu cạnh cung kính dâng lên miếng trầu cau đã bôi vôi cho bà.

Chiêu Hoàng im lặng một lúc lại gật đầu, rồi mang chiếc đèn lồng bên cạnh theo ra sân rồng chơi với các tiểu thư, công tử khác. Nàng nhanh chóng quên đi nốt nhạc đệm vừa rồi, hòa vào không khí vui tươi của đám trẻ con quý tộc mang lại.

Bên trong này, sau khi ngồi thêm nửa canh giờ, thái hậu Trần thị cũng nói lời từ biệt với bá quan, văn võ toàn triều rồi cùng hai nô tì thân cận đi về phía rừng đào.

Điện tiền chỉ huy sứ ngồi bên góc điện nhìn thấy cảnh này liền im lặng nóc sạch chén rượu, hết chén này đến chén khác, cho đến khi bình rượu trên bàn cạn sạch. Có nô tì định đi đến rót thêm rượu liền bị ông khoát tay cho lui. Thủ Độ loạng choạng đứng lên, không một lời từ biệt, theo hướng của thái hậu vừa rời mà đi.

Có vài viên quan thấy được liền quay sang nói nhỏ điều gì với vị đồng liêu bên cạnh, họ dùng ánh mắt chứa vài phần khinh bỉ để đánh giá hành động vừa rồi của quan tiền điện. Sau khi Thủ Độ đã đi xa, họ vốn định to tiếng nghị luận nhưng chợt nhớ đến còn một vị thái úy đang nghiêm mặt ở kia liền thu lại những điều định nói vào trong lòng rồi tiếp tục ăn phần cổ của mình. Chỉ là, các quan viên đều hiểu rõ suy nghĩ trong lòng nhau.

Tuy nhiên, những gì họ nhìn thấy có phải là sự thật?

__________________________________________________________________________________________

Thái hậu sau khi đến vườn đào liền cho người chông đèn Vọng Nguyệt Lâu, bà gọi tì nữ thân cận bên cạnh mang ít bánh trà bản thâm tự tay làm từ ban sáng chia làm hai, rồi đưa một nửa đến chùa Bát Tháp, phần còn lại thì dâng lên để bà dùng.

Qua một tuần trà, thái hậu vẫn luôn một mực im lặng nhìn những cây đào trụi lá lại bất giác ra lệnh: "Mang thất huyền cầm đến đây cho ta."

Ẩn quảng cáo


Nô tì Hoàng Xuân vội đáp lời, rồi nhanh nhảu lấy thất huyền cầm được treo trong góc đến cho nương nương.

Đàn vừa đến tay, thái hậu liền nhận lấy, bà khẽ ôm nó vào lòng rất lâu. Lát sau, tiếng đàn vang vọng lên trong không trung, bỗng một giọng nữ nhân du dương cất lên khúc nhạc nổi tiếng của người phương Bắc:

Tích giả Trang Chu mộng vi hồ điệp, hủ hủ nhiên hồ điệp dã.

[Tự dụ thích chí dư!] bất tri Chu dã.

Nga nhiên giác, tắc cừ cừ nhiên Chu dã.

Bất tri Chu chi mộng vi hồ điệp dư?

Hồ điệp chi mộng vi Chu dư? [Chu dữ hồ điệp tắc tất hữu phân hĩ.] Thử chi vị vật hóa.*

Khi tiếng đàn ngừng hẳn, từ trong bóng đêm, một bóng nam tử khoảng độ tam tuần loạng choạng bước đến trước gác Vọng Nguyệt. Ông nhìn người phụ nhân trên lâu vừa hát xong khúc "Trang Chu mộng hồ điệp" liền bậc khóc thành tiếng, có nô tì bên cạnh vốn muốn tiến đến khuyên nhủ nhưng cuối cùng nàng lại thở dài một hơi, rồi yên lặng trở lại vị trí túc trực chờ lệnh.

Thủ Độ đứng trước đĩa đèn lớn được thắp trước lâu. Nơi mà thị Ngư chỉ cần liếc mắt qua đã có thể nhìn thấy. Chỉ là, người ấy đang bận chìm trong nổi buồn của mình, nên chẳng buồn nhìn thấy gì. Ông đứng ở đó rất lâu, lâu đến độ đĩa đèn chứa đầy mỡ chuột kia sắp cạn nhưng người trong mộng vẫn chưa từng đoái hoài đến.

Chờ đến khi ánh sáng le lói cuối cùng phát ra từ đĩa đèn cũng dập tắt, Thủ Độ im lặng rời bước, vừa đi, ông vừa bậc cười thật to, cười cho sự ngây thơ của bản thân vì cảm thấy người kia vẫn mãi không thay đổi. Nhưng thì ra từ lâu, trên thế gian này đã không còn hình bóng người thiếu nữ ngồi trên chiếc thuyền thúng, tay vừa chèo, vừa hát bài ca dân gian nữa. Giờ đây, chỉ còn lại là hình ảnh của một quý phụ hào môn, tay ôm đàn quý, gảy lên thiên khúc nổi tiếng của người Phương Bắc. Trong đôi mắt kia từ lâu cũng chẳng còn bóng dáng của ông nữa, thay vào đó là của một nam tử khác - một nam tử bại trận trước ông. Đáng cười thay, đáng cười thay,...

__________________________________________________________________________________________

"Bẩm thái thượng hoàng, đây là bánh và trà hoa đào nương nương sai nô tì mang đến. Mời người dùng khi còn nóng." Hoàng Lan mang một khạp chứa bánh và trà đến trước thiền điện và thưa chuyện. Làm kẻ hầu cận bên cạnh thái hậu đã lâu, nàng hiểu rõ đây là lời ước hẹn mỗi năm của thượng hoàng và thái hậu. Khi hoa đào nở họ sẽ cùng uống rượu thưởng hoa, khi trăng tròn sẽ ngồi lại cùng ngắm trăng, tấu đàn. Chỉ là, thời cuộc thay đổi, chỉ sợ lời ước hẹn này phải từ bỏ rồi.

"Thí chủ hãy về nói với người kia rằng bần tăng đã nương thân nơi cổng chùa, mọi khói bụi hồng trần cũng đều đã buông bỏ. Nàng cũng không nên vì lời hứa hẹn chẳng thể thành hiện thực mà mãi chấp niệm trong lòng." Huệ Quang Đại sư vẫn luôn an tĩnh quỳ dưới tượng Phật Tổ Như Lai mà không buồn quay lại, thái độ thập phần thản nhiên đáp lời, nhưng khi ánh mắt ông lần nữa khẽ mở lại dâng trào một trận sóng ngầm.

Một lúc lâu sau, Hoàng Lan cũng rời đi và để lại khạp gỗ chứa bánh và trà bên ngoài thềm điện.

Ẩn quảng cáo


Chờ đến khi Huệ Quang Đại sư tụng xong một bài kinh thì bánh trà cũng đã nguội lạnh từ lâu. Ông cứ nhìn chiếc khạp mãi, cuối cùng vẫn quyết định mang trở về phòng riêng.

Chùa Bát Tháp nằm trong một góc của hoàng cung, đây là nơi tu hành của các quân vương họ Lý, cũng vì thế mà nơi này rất ít người ghé đến, ngoài cổng chùa cũng chỉ có vài ba lính vệ canh giữ. Nếu xét trong tình trạng của Sảm thì chùa Bát Tháp cũng chẳng khác gì viện vô danh mà khi họ Trần nhốt vua khi bố cáo với thiên hạ ông lên cơn loạn trí. Có khác thì cũng chỉ ở tên gọi và lý do nhốt mà thôi.

Nghĩ đến đây, trong mắt của Thái thượng hoàng lại ánh lên sự không cam tâm. Bỗng, từ bên trong bụi rậm gần đó lại nổi lên một loạt tiếng động, dù trời đang đứng gió. Sảm có chút hoảng loản nhưng lại nhanh chóng trấn định lại vì nhìn thấy trong bụi rậm kia là một nữ nhân đang chật vật bò ra khỏi.

Khi thấy Thánh nhan, người kia vội vàng quỳ xuống bẩm báo: "Nô tì tên Phương Sương, là người của thái phó sai đến bẩm báo với bệ hạ rằng lòng của bá tánh, con dân vẫn còn hướng đến Người lắm. Xin bệ hạ hãy vững tâm và cố chịu cảnh giam cầm này thêm ít lâu nữa, chắc chắn sẽ có lúc xoay người được."

"Ngươi là người của đám dân làng chài đưa đến để kéo ta vào tròng lần nữa sao. Quả thật là càng lúc càng có nhiều mưu mẹo. Nhưng Sảm ta chẳng dễ mắc mưu đến thế đâu. Về bảo với chúng nếu đã đạt được ước nguyện thì cũng nên thực hiện lời hứa." Nói rồi, Thái thượng hoàng cũng dời bước vào phòng, chiếc khạp trong tay bất chợt làm ông cảm thấy chói mắt đến khó nhìn.

"Nô tì quả thật là người của thái phó, quan lớn cũng lường trước việc bệ hạ không tin vì vậy trước khi đi có dặn nô tì cầm theo thứ này, nói khi giao ra chắc chắn Người sẽ không nghi kị nữa." Nói rồi, Phương Sương vội lấy từ trong thắt lưng vải ra một mảnh đồng được khắc hình lân dâng lên trước Sảm.

"Lân ấn sao, Lý Ân về rồi, hắn trở lại rồi. Mau nói tình hình của hắn sao rồi?" Thái thượng hoàng khi vừa nhìn thấy Lân ấn liền xúc động không thôi. Phải biết rằng trong bốn ấn lần lượt là Long, Lân, Quy, Phụng thì Long ấn chính là ấn của vua chúa dùng để điều khiển cả đất nước, Phụng ấn do Hoàng hậu nắm giữ dùng để cai trị hậu cung hoàng đế, ngoài ra còn để chủ trì một số buổi lễ quan trọng, Quy ấn hiện đang nằm trong tay Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ, dùng để hiệu lệnh cấm quân. Còn lại chính là Lân ấn do Lý Lang tướng giữ, dùng hiệu lệnh tất cả các đội quân địa phương. Lý Khánh Chương thuộc chi thứ của quý tộc triều Lý, cũng là một trong những vị tướng giỏi dưới trướng Kiến Gia đế khi ông còn thân chinh đánh nam dẹp bắc.

Khi trước, thái thượng hoàng bị khống chế do Lý Lang tướng khi ấy vẫn còn đống quân ở phía Bắc vẫn chưa trở về. Thêm vào lúc ấy, ông cũng bị giam cầm và không thể liên hệ được với ai nên bị Thủ Độ ép đến bước đường cùng. Hiện nay, lang tướng đã trở lại, thêm vào sự giúp sức của Phùng thái phó. Như vậy, cơ đồ nhà Lý lại có hi vọng trở lại rồi. Nghĩ đến đây trong mắt của Sảm lại như thắp nên ánh sáng một lần nữa. Ông nhìn nô tì dưới đất, hỏi: "Phùng thái phó có dặn ngươi nói ta làm điều gì không?"

"Bẩm Thái thượng hoàng, Phùng thái phó có nói chỉ mong bệ hạ cố chịu thêm cảnh thiệt thòi này thêm ít lâu, chỉ cần có được bằng chứng họ Trần mưu đồ làm phản, ta sẽ dựa vào sức mạnh muôn dân để đánh đổ chúng." Nô tì Phương Sương thuật lại lời nói của thái phó.

"Được, về nói với thái phó và lang tướng, ta chờ tin tốt của các vị." Thượng hoàng sảng khoái đồng ý. Đối với ông chỉ cần diệt trừ hết bọn dân làng chài thì bao nhiêu đây thiệt thòi đã là gì. Chờ đến khi lấy lại ngôi báu, chắc chắn, Sảm sẽ khiến cho Thủ Độ và Thừa trả giá những gì đã gây ra cho ông và các con bao nhiêu năm nay. Càng nghĩ, ông lại càng vui, khạp gỗ trong tay cũng trở thành thứ khiến thượng hoàng cảm thấy chướng mắt. Vì vậy, ông liền bỏ lại chiếc khạp ở trước cửa phòng nghỉ.

Cuối cùng, khạp trà bánh của thái hậu Trần thị cố công làm ra để tặng cho vị phu quân khổ nạn của mình vẫn bị bỏ phí. Thì ra, ước hẹn đêm trăng tròn đã sớm bị bỏ lỡ từ lâu trước kia... Từ khi, họ Trần và họ Lý bước trên còn đường không đội trời chung...

*: là bài văn Trang Chu mộng hồ điệp của Trang tử, được phổ thành khúc ca của người Trung Hoa và trở thành điển tích trong văn chương xưa ở Trung Quốc và Việt Nam.

_______________________________________________________________________________

Lời của tác giả: Xin chào quý vị đọc giả. sau ba tháng chạy tiểu luận muốn khóc, cuối cùng Hi cũng đã hoàn thành xong chương 9: của Lý Phế Hậu. Thật ra, sẽ có nhiều bạn cảm thấy vì sao tôi lại chọn một khúc ca của Trung Quốc để gắn vào tác phẩm của Việt Nam, thì thật ra đây đều là dụng ý riêng của tác giả. Nếu mọi người có lòng có thể tìm hiểu nhiều hơn khúc hát này trên các trang web. Cám ơn mọi người đã đón đọc

Báo cáo nội dung vi phạm
Ẩn quảng cáo

Nhận xét về Lý Phế Hậu

Số ký tự: 0