Chương 7

Lý Phế Hậu Thanh Hi 2402 từ 21:08 08/10/2021
Cuối hạ, Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 2. Một buổi chiều lộng gió trong điện Càn Nguyên.

"Ngươi là Lê Tần, người mà Phùng thái phó luôn khen giỏi văn hay võ sao?" Hôm nay, Chiêu Hoàng nữ đế khoát lên mình bộ thường phục màu cam, giữa ngực thêu hoa văn rồng ngậm long châu đầy uy nghi, trên tóc nàng cũng cài chiếc trâm quý điêu khắc tinh xảo hình rồng bay bằng vàng. Ánh mắt nàng đầy hứng thú nhìn Lê Tần đang quỳ giữa điện. Dường như nàng muốn đến gần hơn để nhìn rõ người ấy nhưng lại e ngại nhũ mẫu bên cạnh buông lời trách cứ.

"Bẩm bệ hạ, thần là Lê Tần- một trong tứ hộ vệ cuả bệ hạ." Lê Tần cuối đầu, ôm quyền, dùng giọng điệu kính cẩn thưa chuyện với nhà vua. Tuy nhiên, lại không ai nhìn thấy trong mắt của chàng như đáng lóe lên ánh sáng.

"Ngươi mau ngẩng đầu lên cho bổn cung nhìn xem tướng mạo ngươi ra sao?" Chiêu Hoàng vẫn vui vẻ nhìn ngắm chàng ấy. Vì Lê Tần đã được luyện tập giống như một binh sĩ từ khi vừa qua tuổi thập nhị, lại trong thời gian trổ mã của chàng nên dù chỉ vừa qua tuổi thập tứ nhưng hình dáng chàng lại chẳng thấp bé hơn so với ba thị vệ còn lại. Cho nên, nữ đế vẫn luôn cảm thấy chàng ấy sẽ để râu xòm xoàm, trông mặt già khú, nhưng khi mở miệng sẽ nói toàn lời văn thơ giống Phùng Thái Phó, khi cằm đao sẽ uy nghi, bệ vệ giống Lý Lang tướng-Lý Ân.

Cho đến khi nữ đế trông thấy khuôn mặt chàng, nàng bỗng lại bật cười khanh khách và nói: "Nhìn người còn trẻ thế cơ à, ta cứ nghĩ ngươi phải là một ngươi đàn ông nhìn rất dữ tợn như võ tướng, nhưng ăn nói, cử chỉ lại giống quan văn trong triều chứ. Thật chẳng giống gì cả, nhưng nhìn mặt ngươi trông rất thật thà, vì thế ta ân chuẩn cho ngươi được chơi cùng ta với Trần Cảnh, ngươi chịu không?"

"...Thần xin tuân theo ý chỉ của bệ hạ." Lê Tần quỳ dưới điện vẫn luôn ngẩn ngơ trước nụ cười của nữ đế, chàng mãi ngắm nhìn đến độ quên cả việc phải đáp lời nàng. Cho đến khi sư huynh bên cạnh khẽ gọi chàng. Đến lúc này Lê Tần mới vội vàng thưa lại.

Sau đó, thái giám bên cạnh lần lượt gọi ba người còn lại, để họ bẩm bảo tên tuổi và để nữ chúa nhận mặt. Đến khi mọi việc đều xong xuôi, các thị vệ mới nhận chức cũng được cho lui xuống.

__________________________________________________________________________________________

Đầu thu, tiết trời dần se lạnh, những đàn chim bay từ phương Bắc đến phương Nam tránh rét, chúng cứ chao liệng trên bầu trời rộng lớn như đang tìm kiếm những cành cây rậm lá thường xanh thích hợp để làm tổ mới cho mùa đông sắp đến.

Do thời tiết dần mát mẻ sau những ngày hè oi bức, vì thế mà hiếm có hôm Hàn lâm học sĩ gọi người mang sách vở của nữ đế ra vườn Ngự uyển để học tập.

"Hôm nay trời mát, Hàn lâm học sĩ à, ngươi đừng bắt ta phải học thuộc mấy âm chữ tiếng hán này nữa được không, chán òm!" Ấu chúa vừa ngồi vào chiếc bàn được kê trong đình liền nằm xuống nghịch bông hoa sữa vừa hái bên đường, giọng nói nàng tỏ vẻ bất mãn, ánh mắt mơ màng như sắp vào giấc ngủ.

"Người không học, không hiểu sao có thể là bậc minh quân? Sao Người có thể trị vì Đại Việt trở nên phồn thịnh được. Bệ hạ chớ vì thú vui của bản thân mà bỏ quên chính sự. Hiện giờ quân phản loạn vẫn luôn lăm le ngoài thành, xin Người hãy mau trưởng thành để gánh được việc nước, đưa dân chúng ra khỏi cảnh đói khổ." Hàn Lâm học sĩ - Nguyễn Thiện nhìn ấu đế bằng ánh mắt chứa ba phần phiền muộn, bảy phần nghiêm khắc. Ông được thái hậu tin tưởng giao cho trong trách dạy học nữ hoàng, sao có thể lơ là chứ. Ông biết rõ dù nhà vua chỉ là một đứa trẻ bảy tuổi nhưng trên vai nàng đã gánh cả cả giang sơn, nếu nàng không phải là bậc minh quân thì chỉ e cả Đại Việt cũng sẽ gặp nạn lớn. Vì thế Nguyễn học sĩ vẫn luôn nghiêm khắc với nàng, không cho nàng lơ là việc học một khắc nào.

"Hôm nay ta quyết định rồi, ta không học đâu. Dù ngươi có nói gì ta cũng không học đâu. Hay vậy đi, ta để Tần vào học thay ta được không? Thời tiết hôm nay mát mẻ như thế chỉ phù hợp cho việc nghỉ ngơi thôi, không hợp để học tập đâu." Chiêu Hoàng buồn bực bịt tai lại, giọng nói có phần làm nũng của một đứa trẻ, ánh mắt khẩn thiết nhìn vị quan đang ngồi trước mặt như thỉnh cầu. Nàng biết rõ bản thân khi ngồi lên Long ỷ phải chịu bao nhiêu trắc nhiệm, gánh bao nhiêu hộ dân trong cả Đại Việt này. Vì ngày nào cũng có người nói với nàng những điều đó. Từ thái giám, cung nữ, quan lại cho đến mẫu thân. Nhưng nàng thật sự rất muốn đi chơi như bao đứa trẻ khác. Dựa vào đâu mà nàng và chúng nó đều là trẻ con nhưng chúng thì được vui chơi, còn nàng thì phải học chứ? Vì thế nàng quyết định hôm nay dù có việc gì xảy ra nàng cũng sẽ không học.

Hàn Lâm học sĩ ung dung nhấp ngụm cho thấm giọng rồi nói: "Vậy thần chỉ có thể đi bẩm báo với Thái hậu thôi."

Ẩn quảng cáo


"Ngươi dám, ngươi dám. Huhu... các ngươi ức hiếp ta. Các ngươi ức hiếp ta, ta phải đi mách phụ Hoàng, phải đi mách phụ Hoàng." Nữ chúa sau khi nghe Nguyễn học sĩ buông lời đe dọa nàng liền uất ức gào khóc, tay chân đá đạp lung tung rồi vụt đứng lên như chuẩn bị xong ra ngoài đến nơi.

Bên này Hàn Lâm học sĩ thấy nàng náo loạn cũng liền hoảng sợ. Nói thật so với nữ hoàng ông càng sợ Thái hậu hơn ai hết. Ông thà đau đầu vì chuyện dạy ấu đế học, còn hơn việc nghe Thái hậu trách mắng gần cả canh giờ vì việc nữ hoàng thuộc không hết một bài thơ cổ. Cho nên, khi thấy nữ đế như sắp làm loạn ông liền khẽ thở dài rồi nói: "Thôi được rồi, hôm nay trời mát Thần sẽ không dạy chữ cho bệ hạ nữa, thay vào đó thần sẽ kể một câu chuyện về hai vị nữ vương thời trước. Chẳng hay bệ hạ có muốn nghe không?"

"Nghe, tất nhiên là nghe rồi. Nhưng trước ta đã có nữ vương rồi sao? Họ có hình dáng như thế nào, có giống ta không? Ngày ngày, họ có phải khoác lên mình nhiều lớp áo, đội mão to không? Họ có phải thường nghe dạy học rồi ngủ gục giống ta không? Hay họ có phải thường cảm thấy buồn chán trong các buổi thiết triều giống ta chứ?" Khi nữ chúa nghe Hàn Lâm học sĩ vừa nói muốn kể chuyện, nàng liền hí hửng quay lại ngồi vào bàn, ra hiệu cho Tần và Cảnh đang đứng hầu cạnh đó ngồi xuống cùng nghe, miệng nàng liến thoắng không ngừng hỏi về hai vị nữ vương kia.

"Ngày xửa ngày xưa, khi Đại Việt của ta còn là quận Giao Chỉ trong lời nói của người phương Bắc..."

Lời nói của Hàn Lâm học sĩ bị cắt ngang bởi giọng nói ngây thơ của nữ chúa, "Tại sao Đại Việt lại là quận Giao Chỉ chứ?"

"Bởi vì khi ấy nước ta bị xâm chiếm bởi người phương Bắc, một dân tộc bị xâm chiếm sao có thể gọi là quốc được chứ. Vì vậy chúng gọi nơi đây là quận Giao Chỉ, gọi người nơi này là người Giao Chỉ. Khi chúng vào nước ta đã bắt người dân phải lên núi săn hổ báo, xuống biển mò ngọc trai. Chúng bóc lột sức người, sức của, bắt người dân ta làm nô lệ cho chúng, tội ác không bút nào kể xiết. Bây giờ có ông Dương Thi Sách và bà Trưng Trắc là vợ của ông đều mang ý chí căm thù giặc, họ quyết kêu gọi những tộc trưởng nổi dậy. Nhưng chẳng may việc này bị tên thái thú Tô Định biết được. Hắn đã bắt và giết chết ông Thi Sách. Bà Trưng Trắc vì quá căm phẫn bởi những việc mà hắn làm nên đã quyết định cùng em gái là Trưng Nhị nổi dậy ở vùng Mê Linh và kêu gọi các tộc trưởng cùng đứng lên tiêu diệt giặc. Khi xông trận, có binh lính mang áo tang cho bà mặc, nhưng Trưng Trắc đã khướt từ, bà cùng em gái quấn tóc cao, mặc áo giáp, cầm kiếm sắt, cưỡi voi lớn ra trận giết địch. Cuối cùng, trận chiến qua đi, ta toàn thắng, Tô Định phải trốn trong đám tàn bình mà trở về phương Bắc, còn hai bà Trưng lập kinh đô ở Mê Linh, tự phong nữ vương. Người đời sau thường gọi hai bà là Trưng vương." Nguyễn học sĩ chậm rãi kể lại câu chuyện xưa. Giọng ông trầm ấm, lúc như đau khổ, lúc như tự hào khiến cho người nghe tưởng chừng như đang nhìn thấy cảnh người dân Đại Việt khi ấy từng phải chịu bao nhiêu sự bất công, chịu bao nhiêu nỗi mất mát đến độ cha con li tán, vợ chồng xa nhau như thế.

Một lúc lâu sau, khi mọi người xung quanh dường như còn đang chìm đắm trong nỗi đau của dân tộc, Hàn Lâm học sĩ lại nhìn thẳng vào đôi đồng tử thơ ngây của nữ đế và nói: "Bệ hạ thấy đó, hiện nay triều ta đã trải qua hơn hai trăm năm phồn thịnh. Nhưng nếu đất nước có một vị vua tham chơi lười làm, không chịu học tập đàng hoàng thì sự thịnh thế này sẽ còn giữ lại và phát triển tiếp được không? Mọi thứ ta đang có đều đổi lấy từ xương máu của những bậc tiền nhân, họ đã chịu qua bao nhiêu mất mát, đau thương, đã phải đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu để Đại Việt có ngày hôm nay. Người có chấp nhận chỉ vì thú vui của bản thân mà bỏ qua những công sức của họ không? Hay bệ hạ sẽ quyết tâm vào chuyện học hành hơn để giữ lại cơ nghiệp này? Đáp án trong lòng bệ hạ. Thần mong người sẽ thấu đáo mọi chuyện."

"Ngươi nói đúng lắm, ta phải học tập, phải học thật tốt để có thể làm vị vua tốt, để bá tánh của ta không phải lên núi săn hổ, săn báo, không phải xuống biển mò ngọc trai nữa. Nhưng ta muốn biết, vì sao nước ta lại bị đô hộ chứ? Ngươi hãy nói cho ta biết được không?" Ánh mắt nữ đế thể hiện một sự quyết tâm xen lẫn cả sự ngây thơ của đứa trẻ tám tuổi. Đôi mắt ấy như thắp nên ngọn lửa hi vọng của triều Lý sắp suy tàn kia.

"Đó lại là một câu chuyện dài. Nhưng nếu bệ hạ muốn nghe thì phải thuộc lòng những hán tự này. Đến buổi học hôm sau nếu người thuộc hết thần sẽ kể cho người nghe câu chuyện đó được không?" Nguyễn học sĩ dùng ánh mắt hài lòng nhìn nữ đế. Ông biết rõ, vua của họ chỉ vì tuổi đời quá nhỏ nên còn tham chơi, chờ khi nàng lớn thêm chút nữa, có lẽ ý chí sẽ vững vàng như nam nhân. Đến lúc ấy có lẽ nàng đã có thể tự gánh vác được giang sơn Đại Việt này rồi.

"Được, chỉ là vài hán tự cỏn con. Ta sẽ thuộc ngay thôi. Nhất định ngươi phải kể cho ta nghe đấy." Nói rồi, nàng vội vàng lật sách vở ra, ngồi ngay ngắn trước bàn chờ Nguyễn Thiện bắt đầu bài học.

Tiếng giảng bài trầm ấm vọng ra xa, văng vẳng khắp Ngự hoa viên, lan tỏa khắp không gian khiến cho người đi ngang qua phải dừng lại chăm chú lắng nghe. Họ không biết được vào hơn hai trăm năm sau, tôn tử của vị Hàn Lâm học sĩ ấy sẽ lại là một bậc vĩ nhân, một công thần khai quốc góp phần đưa nhân dân thoát khỏi ách đô hộ của người phương Bắc, một lần nữa. Đồng thời, người đó còn tạo ra bộ chữ nôm, giúp cho nước nhà càng chứng minh sự độc lập về nền văn hóa của dân tộc. Chung quy tất cả, đó chỉ là câu chuyện đời sau. Còn hiện tại, Nguyễn học sĩ vẫn luôn một lần bồi dưỡng ấu đế trở thành bậc minh quân, với mong muốn giúp dân tộc thoát khỏi cảnh nội chiến liên miên này.

__________________________________________________________________________________________

Lời của tác giả: "Chương này không có cảnh tình cảm gì đâu ạ. Chủ yếu là tôi chỉ muốn lồng ghép thêm về một chút lịch sử của những bậc vĩ nhân khác thôi ạ. Còn Nguyễn Thiện là một nhân vật chỉ sống dưới ngòi bút của tôi thôi đó mọi người. Nhưng về người tạo ra bộ chữ nôm là nhân vật có thật, còn ông có phải là con cháu của Nguyễn học sĩ không thì lịch sử chưa kiểm chứng đâu ạ! Nhưng có một Nguyễn Thiện khác sống dưới thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn, ông này cũng là nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam. Mọi người có thể tìm hiểu thêm về ông ấy trên wiki. Chúc các bạn có một ngày tốt lành!"

Báo cáo nội dung vi phạm
Ẩn quảng cáo

Nhận xét về Lý Phế Hậu

Số ký tự: 0