Chương 6: Chồng tôi là ba của con Ngáo

Tôi phải nói rõ như vậy vì trong chương này chuyện mà tôi muốn đề cập đến một nửa liên quan đến Ngáo. Năm mười tám tuổi đầy thơ mộng nói hoa mĩ là thanh xuân rực lửa thì tôi ngày đi học buổi sáng, thời gian rảnh buổi chiều tôi qua giúp việc cho quán ăn vặt nhà thầy Hùng, cô Vân.

Nói thêm về thầy Hùng dạy môn toán cho trường THPT thành phố, học sinh của thầy ra trường ai cũng ưu tú trong đó có chồng tôi – con trai duy nhất của thầy. Tôi may mắn được thầy dạy học chỉ trong một năm, tôi không giỏi về ban tự nhiên cho nên đến giờ thầy lên lớn tôi thường cố gắng thu hẹp sự tồn tại của bản thân. Khổ nỗi thầy lại rất thích tôi, hôm nào có tiết toán y như rằng tôi không bị gọi lên trả bài thì cũng phải chữa bài tập. Hồi đó tôi hận thầy lắm, sĩ diện cây văn của lớp không cho phép tôi bị chà đạp ngày này qua hôm khác như thế, cho nên tôi đã rất nhiều lần dùng đặc quyền của lớp phó học tập kiêm người nắm phiếu điểm để tránh 30 phút đầu môn toán. Mãi về sau khi thầy đã là ba chồng của tôi nỗi sợ đó chẳng giảm bớt đi tẹo nào. Mỗi lần tôi và lão chồng đang hú hí trong phòng ba lại thình lình xuất hiện không việc này cũng việc kia muốn nhờ.

Cô Vân là vợ thầy Hùng – mẹ chồng của tôi sau này cũng là cô giáo dạy văn, khác với thầy Hùng tôi mê cô Vân đắm đuối. Nhà cô nằm ngay mặt tiền đường cách nhà tôi 5km đạp xe, phía trước nhà được cô tận dụng làm quầy bán đồ ăn vặt cho lũ học trò. Cô là giáo viên chủ nhiệm lớp tôi những năm cấp 3, tôi thường xuyên qua nhà cô để nộp bài kiểm tra hoặc giúp cô lên điểm vào sổ. Cô biết hoàn cảnh gia đình tôi nghèo đến cái rá còn rách lên rách xuống cho nên mỗi lần tôi đến cô thường lén cho tôi khi thì cái kẹo đậu phộng rang đường giọn rụm, lúc quả ổi đào ruột đỏ sau nhà…Lần nào cũng thế, cứ có việc qua nhà cô tôi thích lắm.

Năm học kì 2 lớp 10 ba tôi đi bắt cá để mẹ trải bạt bán ở chợ Bục, nay được gọi chợ Bục Bà, không may bị chuột rút nước kéo vào giữa hồ, may giữ được mạng sống nhưng từ đó ông liệt nửa người, thời đó nhà tôi nghèo đến mức một năm tôi chỉ có hai bộ quần áo mặc thay đổi ở nhà và đi học thì lấy đâu ra tiền để chữa bệnh. Mẹ tôi bấm bụng bốc thuốc thần kinh cũng chỉ cứu được một nửa người, nửa còn lại chung quy cũng vì không có tiền nên từ nhỏ tôi đã thấm vào xương mình giá trị của đồng tiền. Tôi có dự định nghỉ học phụ mẹ ép rào bắt tôm, liên tục tôi nghỉ một lèo bốn ngày mà không xin phép nên cô Vân mới đến tận nhà.

Tôi không bao giờ quên được ánh mắt lóng lánh nước khi cô nhìn vào xái nhà bị gió táp rách tơi tả cùng chiếc quần màu xanh thanh thiên chuyển sạch màu bạc bị mài mòn hai đầu gối được tôi giặt kĩ treo trên cái sào tre một bên hiên nhà. Cô nói chuyện với mẹ tôi trong chốc lát rồi ra về, không biết hai người bàn bạc với nhau điều gì mà ngay sau đó mẹ tôi nhắn tôi chiều mai đến nhà cô phụ cô bán quán.

Hoàn cảnh quá khổ khiến tôi trưởng thành hơn so với đám bạn cùng lứa, dù ở thành phố nhưng nhà tôi thuộc dạng nghèo nhất lớp, đối với tôi chiếc kẹp tóc bằng thiếc có ướm nơ nhỏ màu hồng luôn là niềm ao ước tưởng chừng như không bao giờ với tới được cho đến khi tôi được đến làm giúp việc cho quán cô Vân.

Cho đến tận bây giờ mẹ tôi vẫn còn nhắc đi nhắc lại rằng nếu không có cô Vân tôi chắc hẳn không bao giờ có thể học cao đến độ có thể làm cô giáo. Tôi hoàn toàn đồng ý và tôi luôn một lòng nhớ ơn mong được một ngày có thể đáp trả. Quán ăn vặt cô Vân chỉ bán chạy vào lúc sáng sớm và khi trời xẩm tối, ngày đầu tiên tôi bán được bốn thanh kẹo đậu phộng, hai gói bim bim bắp nổ, hai cây kim một bịch chỉ và năm que kẹo dừa màu xanh.

Tủ đựng hàng hai tầng bày đủ loại đồ ăn khiến bọn trẻ thèm nhỏ dãi, tầng trên dành cho các loại kẹo như dừa, đậu phộng…Tầng dưới bày bán trái cây vườn cùng các loại hạt như đậu phộng, bắp nổ, đậu xanh rang… Đối với tôi một hạt đậu phộng rang cũng trở nên quá xa xỉ thì bọn nhỏ trong dãy lại kiêu ngạo đạp từng tờ 200 đồng côm cốp vào mặt tủ với vẻ huênh hoang: “Một bịch đậu sấy.”

Ẩn quảng cáo


Những lúc như vậy tôi lại cười ngọt ngào nịnh nọt bằng cách khen ngợi chúng thật hào phóng, mặc dù vẫn còn sự non nớt hiển hiện trên những sợi lông tơ phất phơ trước nắng chiều le lói nhưng chúng vẫn thích thú trước lời khen ngợi của tôi. Từ đây tôi nhận ra cách để khách hàng quay lại với mình chính là niềm vui sướng được công nhận, dù trẻ nhỏ hay người lớn đều muốn bản thân được người khác để ý và tán thưởng.

Tầm bảy giờ tối sau khi vị khách cuối cùng rời đi, tôi mới vui vẻ khóa tủ rồi chạy vào nhà báo cáo với cô Vân về tình hình buôn bán hôm nay, lần nào cũng vậy cô dịu dàng nhìn tôi không tiếc lời khen khiến tôi cảm tưởng mũi của mình còn lớn hơn cả con Pinochico.

Thời đó, nhà cửa còn hẻo lánh, ban đêm đường sá đen đặc như hắc ín đổ đường. Cô Vân sẽ bắt thằng Bù Cọt đưa tôi về nhà, y như rằng lần nào nó cũng làu bàu trong miệng ra vẻ không tình nguyện lắm. Nhưng tôi biết trong lòng nó đang vui như xem hội trung thu. Thằng Bù Cọt là dân chuyên toán, nó làm niềm tự hào của cả huyện nhỏ này, bình thường cái mặt nó luôn tỏ ra vẻ khó gần, trí thức sạch sẽ. Chỉ đến khi bị tôi dụ dỗ vào hàng tá câu chuyện cổ tích tự bịa, nó mới trưng đôi mặt đần thối đầy háo hức chờ đợi.

“Công chúa sẽ không thích hoàng tử cóc đâu!” Bù Cọt khẳng định chắc nịch.

Tôi ngồi phía sau nó, hất cằm nói: “Hoàng tử cóc bảnh trai thấy mồ hà, sao lại không thích?”

“Tình yêu không nên đánh giá từ vẻ ngoài.”

Tôi cáu kính: “Mày có muốn nghe nữa không, tao không thèm kể nữa.”

Sau mỗi lần như vậy, tôi thường được Bu Cọt hối lộ bằng túi kẹo kéo dâu thơm lừng. Cho đến tận bây giờ, thỉnh thoảng tôi giận dỗi lão vẫn kiếm được ở đâu gói kẹo dâu, tiếc là mùi vị không còn giống của ngày xưa nữa. Chuyện tình củ chuối đầy ngọt ngào của chúng tôi khi truyền đến thế hệ sau tạo thành phiên bản nhiều lựa chọn, Ngáo là ví dụ điển hình. Một Bu Cọt là độc nhất, đã hoàn toàn thuộc về tôi, ấy vậy mà nó lại chong mắt đi tìm Bu Cọt thứ hai. Và trong ngần ấy năm, kể từ khi trái tim nó biết đập liên hồi, đôi má đỏ hây hây, ánh mắt linh lung chớp vì người khác, thì nó vẫn mải thất tình.

Báo cáo nội dung vi phạm
Ẩn quảng cáo

Nhận xét về Hôm Nay Con Gái Tôi Lại Thất Tình

Số ký tự: 0