Chương 5

Hạ Và Cốm Cháo Hành Đây 1763 từ 13:08 22/05/2022
Mười bảy tuổi, thay vì canh lúc bán hết khoai để lén chạy lên trường nghe giảng, tôi bắt đầu tất bật với mùa lúa chín, đám gà mái tơ, những bó rau và hạt lạc. Trên vách nhà mờ dần nét vẽ xuệch xoạc mài ra từ ụ đá màu tôi dụm trong túi, dường như con chữ chỉ là giấc mộng tôi đã từng mơ qua.

Khi đấy, dịch tả qua đi, làng Chợ Lùi buôn bán được mùa, ai cũng nuôi trâu nuôi bò đủ cả, thừa nhiều, họ đem sang vùng khác bán, được lời lắm. Đôi chỗ đất hoang trước kia giờ đầy ắp là nhà, mấy ai còn lụi cụi cơm nước dưới dàn mái rơm đâu.

Gần đình làng mọc ra một quán nét, nghe bảo là do anh Sáng xây. Lúc tôi còn bé chỉ thoáng nghe anh Sáng đi du học, cả cái làng xiu xíu được một người xuất ngoại, ai cũng nể. Vậy mà không hiểu vì cái gì, anh đi mấy năm rồi về, về Chợ Lùi, mở quán nét. Các bà các bác ngồi ngoài sân hóng chuyện với nhau, bảo anh Sáng bỏ thuốc bỏ lú cho con các bà, để chúng nó ăn dở chết dở cũng phải bám riết cái máy tính.

Mấy bận đi ngang qua quán, bao giờ cũng thấy có cái đầu nhuộm màu bạc lổm nhổm sau dàn máy, chẳng cần đoán cũng biết là thằng An, trong làng, mỗi nó dám chơi trội như thế. Từ hồi lên cấp ba, bố thằng An vào Nam buôn gỗ, nhà còn mỗi hai mẹ con nó, thằng An được đà, nhuộm nhoẹt rồi xăm trổ, mẹ nó sôi máu chửi nó mỏi cả miệng, nhưng nó kệ.

Nó vẫn hay chuồn học như cơm bữa, nhưng không phải chuồn lên đồi Ma, chỗ đấy người ta khai phá, trồng chè, tự khi nào đã chẳng còn ai giữ cái tên cũ nữa, trồng chè thì kêu đồi chè thôi. Giờ mà nghe thằng An trốn học là biết ngay nó ở quán nét, nó cắm cổ ở đấy ba ngày là còn ít, chỗ nó ngồi toàn vỏ mì tôm, nhìn đổ đốn ra.

Tôi lớn, không ai đặt vào tay tôi những bó xôi đậu mè, Chợ Lùi người đến người đi, mấy lúc ngồi bán khoai ngoài chợ, nhìn ai cũng lạ. Lũ trẻ tôi chơi cùng ngày ấy giờ lớn phổng phao, đứa nào đứa nấy cao khều, được đợt đi cày mướn bắt gặp, chứ lên cấp ba chúng nó bận học hết, chẳng mấy khi kéo nhau ra bãi bồi chơi.

Tôi vẫn thui lủi trong căn nhà xập xệ sau rặng tre, ngày đi tối về, rảnh lắm thì qua nhà bà Hai, nhổ tóc sâu cho bà, và mỗi lần tôi ghé, cái Chi lại đòi tôi nặn bánh khoai cho ăn, cũng tại bữa mất diều nọ, nó khóc nguyên ngày, tôi phải hứa từ rày nó thích gì là làm cho cái đấy, nó mới nín. Con bé mê bánh khoai tôi nướng, nó bảo không ai nướng ngon như tôi, con bé cười tít, hai mắt cong cong, nó nịnh "Anh Vũ xịn thế, cái gì cũng biết làm, ai vợ anh chắc sướng lắm." Tôi nhìn khóe miệng lem nhem của nó, cười trừ.

Tôi không hứng thú việc yêu đương, về sau cũng không định lấy vợ, ý nghĩ luẩn quẩn trong đầu tôi chỉ là những tháng ngày gánh rổ rau ra chợ bán, buồn buồn sẽ nhâm nhi tách trà quan âm, hay ngửa mặt nhìn ngắm hoàng hôn lúc tan vào hư không trầm lặng, và cả cánh diều chao liệng ngả nghiêng.

Tôi không có hoài bão vời vợi như mấy đứa chạc tuổi, thèm đi đây đi đó, mơ những giấc mơ xa, vì thế mà An vẫn hay chê tôi là ông cụ non, một ông cụ non nhạt nhẽo.

Thằng An thì có đủ, nó thích nhiều lắm, nhưng toàn những thứ đâu đâu, tôi chẳng mấy khi nhớ hết những gì nó nói, chỉ thấy nó hở ra là chạy vô net, hay tụ tập với lũ chơi bời. Cứ nghe cạnh nhà vang lên tiếng quát, tôi biết ngay nó lại bị mẹ túm ở góc hẻm nào đó, nó không cãi, nó chỉ im, rồi bận sau lại đi tiếp, tính nó thế, khó chừa.

Và bao giờ thằng An bị mẹ đuổi đánh, nó cũng chạy lại đập cửa nhà tôi, nó ung dung vốc cốm trong bát ăn, rồi lại tu thẳng vòi ấm chè, nuốt ừng ực. Yết hầu nó lúc lên lúc xuống, giọt nước thơm mùi trà vàng tuột khỏi khoé miệng, trượt dọc cổ, thấm ướt áo. Tôi chỉ biết câm lặng nhìn bát cốm vơi dần, cứ nghĩ lớn rồi nó sẽ ít nhiều chín chắn hơn, sau này khi mà ánh sáng phản qua lưỡi dao phay, tôi mới nhận ra, nó vốn dĩ chưa từng thay đổi.

Ẩn quảng cáo


***

Bao giờ mặt trời ngả mình sau những rặng tre, người ta cũng thấy ánh đèn chui khỏi kẽ hở trên những vòm mái con con, nhà nào nhà nấy lốp đốp tiếng mỡ nổ, mỡ bám vào miếng thịt bắc chảo, vị béo ngậy phảng phất, quyện vào gió hanh. Giờ này, ai bận việc lắm cũng vội về nhà húp bát canh nóng cho yên bụng.

Tôi giở cốm trong lá sen, gói cốm chú Tư biếu hôm đi gặt lúa nếp non, Chợ Lùi nổi nhất cốm nhà chú, hạt tròn mẩy, vị dẻo bùi, đặt trong lá sen như cuộn lấy cả mùa thu quê. Bát cốm tôi vừa đổ đầy, thằng An ăn vương vãi quá, nó ụp thẳng vào miệng, nhai nhồm nhoàm, nó sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được mùi cốm ngon thế nào, thanh ra sao.

An vừa đi thì mẹ nó đến, đầu thu gió lùa mà dì ăn mặc mỏng tanh, dì bận mỗi tay áo cộc và một chiếc quần bà ba.

"Thằng Vũ mai sang giúp dì bê cái ngói, tổ sư đẻ ra thằng con mà chẳng được tích sự gì"

Dì bắt đầu chửi, dì chửi cho bõ tức, nào nó đi cả ngày cả đêm, nào nó không phụ mẹ cày mướn, dì cứ xa xả mắng một đứa đang trốn lủi ở đâu đâu, ấy mà ai biết được dì xót lòng thế nào. Trước bố nó còn ở, hễ nó hư là vọt roi ngay, dì chẳng dám làm thế bao giờ, dẫu cho cùng, máu mủ sinh ra, thương thì thương mà xót cũng xót, biết làm sao được, nó là con của dì.

Tôi ngồi một góc lắng nghe, giờ sớm tối như một, dì bảo cũng thèm tý hơi người, cứ ngả chiều dì rẽ nhà này nhà kia buôn chuyện, mà dì chả dám ở lâu, người ta còn nhà cửa, cơm nước. Cho đến giờ tôi vẫn không biết tên dì, mọi người hay ới "bác An" "cô An" chứ ít ai gọi tên thật, bẵng một hồi chỉ biết dì có thằng con tên An, và nó nghịch như quỷ.

An tên đủ là Trần Thái An, còn tôi là Trần Thái Vũ, vào năm nhặt được tôi, dì mới chửa, thế là tiện thể dì đặt tên cho tôi luôn, dì bảo "Dì mày mua bó rau gói trong tờ báo, giở ra thấy cái tên nào hay thì đặt thôi, nghĩ nhiều làm chi cho rách việc" Tôi nghe xong bật cười, có khi, Thái Vũ là gã ngả ngớn tù mọt gông nào mới lên báo biết không chừng.

Tôi quý dì như mẹ ruột, có vụ rau được mùa hay cây trái ra quả tôi đều gửi dì, cứ mỗi lần thế dì lại than "Giá mà thằng Vũ là con dì." Không hiểu sao tôi lại bực, tôi bực cả ngày vì câu nói đấy, tôi biết dì cũng thương tôi, nhưng cái dì gửi vào gói xôi đậu mè chỉ là lòng thương hại với một đứa trẻ mồ côi tội nghiệp.

"Năm nay thằng An nó thi đại học rồi. Thế mà nó lơ là quá."

Ánh sáng héo hon phả lên gương mặt dì, tôi chỉ thấy những vệt nếp nhăn thay vì một đôi mắt lấp lánh. Hạnh phúc của một người mẹ là nhìn đứa con mình sinh ra có một cuộc sống tốt đẹp, ít nhất là như vậy, và có lẽ dì vẫn đang cố gắng đánh đổi những thứ mình có để giành lại một tia hy vọng, kể cả manh áo sờn màu đã sứt chỉ.

Ẩn quảng cáo


Đêm xuống, khi những con dế mèn kêu ing ỏi bên thềm ruộng, dì trở về ngôi nhà hắt hiu cô quạnh, còn tôi thì đứng trước quán nét anh Sáng, dòng chữ in trên giải giấy bạt thấp thoáng dưới vầng trăng đã tỏ, tôi nghĩ rất nhiều, thầm nhủ, thầm trách, liệu rằng một liều chất gây nghiện có đủ khiến tôi trầm luân mãi trong cái hố khoái lạc không đáy?

Tôi mở cửa bước vào trong, căn phòng tăm tối chỉ chứa ánh sáng phát ra từ màn hình máy tính, tiếng gõ phím và tiếng chửi rủa va lẫn vào nhau. Tôi đảo mắt nhìn quanh, trong góc phòng tăm tối mù mịt, vẫn là gương mặt quen thuộc với đôi mắt một mí híp nhỏ, thằng An thấy tôi, trông nó kinh ngạc lắm "Ơ Vũ? Mày cũng đến chơi game đấy à?"

Nó ngoắc tay gọi tôi lại gần, rồi đập đập cái ghế bên cạnh "Vào đây chơi với tao một ván coi nào."

Tôi đi vào, ngồi cạnh nó, nó khoác tay lên vai tôi, tay nọ cầm điếu thuốc rít một hơi, làn khói theo mũi nó bay tứ tung, tôi không chịu được mùi thuốc, ho sặc sụa.

"Mày chơi cái gì? Đột kích hay liên minh?"

Tôi hất tay nó ra "Tao không biết chơi, mày dạy tao đi"

Thằng An há hốc miệng, vẻ mặt kinh ngạc của nó dần chuyển sang nghi ngờ, có lẽ nó đang tự hỏi thằng nhóc nhát cáy này đang muốn giở trò gì đây.

Tôi nói "Tao muốn chơi, dạy tao được không?"

Nó nhìn tôi chằm chặp, ánh sáng từ màn hình máy tính dường như đã lấp đi chút phấn khích nhàn nhạt trong đôi mắt của nó.

Nó cười.

Báo cáo nội dung vi phạm
Ẩn quảng cáo

Nhận xét về Hạ Và Cốm

Số ký tự: 0